Năm mới 2024, nông dân tự tin bứt phá từ thông điệp của Thủ tướng: "Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau"

Trần Quang Thứ hai, ngày 01/01/2024 12:39 PM (GMT+7)
Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày cuối năm 2023, nhiều nông dân, đại biểu tham gia hội nghị đều rất phấn khởi và tin tưởng, kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện các chủ trương, chính sách, hỗ trợ nông dân tăng thu nhập, đưa nền nông nghiệp lên tầm cao mới trong năm mới 2024.
Bình luận 0
Sau hội nghị đối thoại với Thủ tướng, nông dân tin tưởng, kỳ vọng nhiều đột phá trong năm mới 2024 - Ảnh 1.

Các đại biểu phấn khởi trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 30/12. Ảnh: Dân Việt

Vui mừng khi nhận được "món quà" quý giá của Thủ tướng

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2023 và năm mới 2024, nông dân Nguyễn Văn Hữu – Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã nói với Dân Việt: Tôi thực sự xúc động khi lần đầu được gặp Thủ tướng và được đối thoại với người đứng đầu Chính phủ. Đối với tôi và các đại biểu, đây thực sự là "món quà" quý giá nhất trong năm cũ và "món quà" này sẽ tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục tự tin vượt khó trong năm 2024, một năm mới hứa hẹn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nhìn lại năm 2023, nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Giang cho biết, mặc dù năm cũ còn nhiều gian nan, chông gai nhưng nhờ nghị lực, kiên trì, ông và gia đình, bạn bè, hàng xóm vẫn đoàn kết, "tối lửa tắt đèn có nhau" nên đã gặt hái được khá nhiều thành quả bước đầu.

"Nhờ kiên trì với sản xuất hữu cơ, nhưng cây cam, cây bưởi, cây vải của chúng tôi đang cho trái ngọt đa giá trị", ông Hữu nói và hay: Hiện chúng tôi vừa bán trái cây vừa làm du lịch. Trái ngọt kết hợp với "thiên thời, địa lợi, nhận hòa" đã giúp chúng tôi làm du lịch có nhiều bứt phá tạo ra giá trị thêm, thu nhập tăng cao cho mọi người.

Mùa thu hoạch năm 2023, sản lượng của HTX Thanh Hải ước đạt trên 500 tấn cam, bưởi. Doanh thu khoảng hơn chục tỷ đồng. Doanh thu năm nay cao hơn năm ngoái. Mô hình canh tác cây có múi của HTX đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho thành viên, nông dân và con em của thành viên, nông dân trên địa bàn thôn từ 8 - 14 lao động, thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng.

Sau hội nghị đối thoại với Thủ tướng, nông dân tin tưởng, kỳ vọng nhiều đột phá trong năm mới 2024 - Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Văn Hữu – Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) tham gia đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12. Ảnh: Dân Việt

Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bắc Giang rất kỳ vọng, sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân và lời hứa, cam kết tiếp sức nông dân từ lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bộ VHTTDL và chỉ đạo, đốc thúc của Thủ tướng Chính phủ, Lục Ngạn, "thủ phủ" trái cây mới của miền Bắc trong năm mới 2024 sẽ có nhiều đột phá trong sản xuất hữu cơ và làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang lại thu nhập cao cho người dân.

Nói thêm với Dân Việt, đại biểu Nguyễn Văn Hữu cho biết, ông đặc biệt tâm đắc với phần gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi trả lời câu hỏi của mình. Thủ tướng nói: Chúng ta rất tự hào về đất nước chúng ta về phong cảnh, thiên nhiên, truyền thống, lịch sử văn hoá. Đây là một trong những trụ cột chính để phát triển đất nước. 

Thứ nhất về văn hoá, chúng ta có truyền thống đoàn kết, lam lũ, người nông dân cởi mở, thật thà. Mỗi vùng miền có những văn hoá đặc sắc khác nhau. Bây giờ chúng cần phải quy hoạch lại các vùng này như thế nào? Các cơ quan chủ lực, cơ quan tham mưu phải tham mưu cho Chính phủ công tác quy hoạch. 

"Muốn phát huy được phải quy hoạch phát triển du lịch gắn với vùng miền, di sản, lịch sử văn hoá, thiên nhiên. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc gắn kết quy hoạch với nông nghiệp, du lịch. Bên cạnh đó, trong phát triển nông nghiệp, chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau hội nghị đối thoại với Thủ tướng, nông dân tin tưởng, kỳ vọng nhiều đột phá trong năm mới 2024 - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt bên hành lang trụ sở Văn phòng Chính phủ sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 30/12.

"Chúng tôi sẽ đi cùng nhau để đi xa hơn"

Cùng chung cảm xúc với các đại biểu tham dự hội nghị, đại biểu Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình cho biết, sau khi rời Hà Nội, bà đã quay lại với công việc thường ngày của mình và vẫn vẹn nguyên cảm hứng, thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đã truyền lại: "Chúng ta muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau".

Bà Lanh chính là người khởi xướng và là Hội trưởng Hội đại điền huyện Kiến Xương (Thái Bình) – nơi “hội tụ” của những anh tài sở hữu ít nhất 5ha đất trở lên. Với 20 thành viên khi mới thành lập (năm 2022), hiện CLB đã có 50 thành viên.

Đặc biệt, bà Lanh còn là 1 trong 14 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Thái Bình được đi dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc năm 2022, là Chủ tịch Hội Những người cấy lúa diện tích lớn (đại điền) của huyện Kiến Xương, hiện đang canh tác 100ha lúa, đầu tư nhiều tỉ đồng để sản xuất lúa hàng hóa.

Năm nay, nông dân trồng lúa ở tỉnh Thái Bình rất vui vì lúa được giá. Sau khi trừ các chi phí, mỗi ha lúa cho lãi ròng trên 10 triệu đồng/vụ. Với 100ha, hợp tác xã của bà Trần Thị Lanh lãi hơn 1 tỷ đồng/vụ. "Trong năm mới, chúng tôi sẽ cùng nhau liên kết với nhau nhiều hơn để đi xa hơn", bà Lanh bộc bạch.

Đại biểu Trần Thị Lanh rất tâm đắc với câu trả lời của Thủ tướng về chính sách phát triển kinh tế tập thể. Giải đáp thắc mắc của bà Lanh về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng: Trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi. Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển các hợp tác xã.

Ngoài Trung ương, thì các địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các hợp tác xã với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương… 

"Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các hợp tác xã cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại… Thủ tướng nhắc tới việc đại sứ nhiều nước rất thích các món ăn của Việt Nam.

"Tôi thấy câu trả lời của Thủ tướng rất hợp tình, hợp lý. Vừa trả lời, Thủ tướng vừa giao việc, đốc thúc các bộ ngành vào cuộc ngay, cho thấy chất lượng buổi đối thoại rất thực chất và hiệu quả với nông dân", bà Lanh đánh giá.

Mong có thêm đột phá về chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi số

Là nông dân Việt Nam xuất sắc 2015, bà Nguyễn Thị Huyền ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, trong quá trình sản xuất nấm, bà vẫn bật điện thoại theo dõi hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân 2023.

"Dù hội nghị diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ 2023 nhưng tôi thấy không khí sự kiện vẫn rất sôi nổi, hiệu quả. Các câu hỏi của các đại biểu của rất hay và đều đề cập đến các vấn đề "nóng" nhất của nông dân hiện nay và các phần trả lời, giải đáp của Thủ tướng và bộ ngành cũng sát với câu hỏi và có nhiều gợi ý, gợi mở vấn đề rất đúng, trúng", bà Huyền nói và cho rằng: Bà đặc biệt để ý đến phần chỉ đạo của Thủ tướng với vấn đề chuyển đổi số trong hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh trong hội nghị: Về chuyển đổi số, Nhà nước phải lo về cơ sở hạ tầng số. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đã giao các doanh nghiệp tiến hành khắc phục các điểm lõm về điện và sóng viễn thông.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính xác với các biện pháp phù hợp như qua các các App để người dân có thể trả lời các câu hỏi như ở đâu trồng lúa tốt, ở đâu nuôi tôm tốt, ở đâu trồng rừng tốt… từ đó trí thức hóa nông dân. Tinh thần là chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.

Sau hội nghị đối thoại với Thủ tướng, nông dân tin tưởng, kỳ vọng nhiều đột phá trong năm mới 2024 - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ trại nấm ở Hà Nội cho biết, hiện gia đình bà vẫn sản xuất nấm theo mùa vụ và bán sản phẩm tại các chợ dân sinh nên rất bấp bênh. Bà Huyền rất mong được hỗ trợ chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm vào sản xuất, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử để tăng thu nhập, bền vững hơn.

"Tôi rất mong, trong năm mới, cùng với các chỉ đạo, đốc thúc của Thủ tướng, các bộ ngành liên quan, các địa phương cần phải đưa ra được các chính sách đột phá để hỗ trợ người dân chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực hơn", nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hà Nội kiến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem