Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 16/02/2023 23:10
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 8/2 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

Năm 2022, dịch bệnh trên động vật tại tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra rải rác tại một số hộ chăn nuôi không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh còn xảy ra là rất cao do tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh lớn nhưng các giải pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y còn rất hạn chế. Kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao; một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp...

Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; lãnh đạo các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi; các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng; các bệnh không thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc; các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi; cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong công tác thú y... để người dân hiểu rõ và thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Thành lập các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Chuẩn bị cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất, vật tư cần thiết phục vụ cho công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; khử trùng, tiêu độc trên địa bàn tỉnh. Chủ động theo dõi, báo cáo tình hình dịch bệnh, thường xuyên tổ chức giám sát sự lưu hành của mầm bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định.

UBND các huyện, Thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, dại... bảo đảm tỷ lệ theo kế hoạch được giao. Đánh giá kết quả tiêm phòng năm 2022 và có hình thức phê bình Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh...

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh xã, xóm, sinh hoạt cộng đồng về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi hiểu và phối hợp thực hiện.

Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật có khả năng lây lan sang người như: cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, liên cầu khuẩn... Tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp với UBND cấp huyện, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển. Tổ chức kiểm soát mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội địa và khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin, truyền thanh cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cho đàn vật nuôi theo quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Nguồn tin: Bao Cao Bằng điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay3,342
  • Tháng hiện tại49,236
  • Tổng lượt truy cập2,073,416
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây