MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TẾ HỘ GIA ĐÌNH CỦA NÔNG DÂN CAO BẰNG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Thứ ba - 29/11/2022 05:11
Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của đất nước, có diện tích tự nhiên là 6.724,6km2. Nông dân sống ở vùng nông thôn là 406.934/530. 856 người. Hiện nay Cao Bằng có khoảng 20.000 hộ, 675 mô hình tổ hợp tác được hình thành từ các nhóm đồng sở thích, 144 mô hình hợp tác xã hoạt động động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TẾ HỘ GIA ĐÌNH CỦA NÔNG DÂN CAO BẰNG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Như vậy, có thể thấy nông dân Cao Bằng là lực lượng sản xuất chủ yếu, nắm giữ về tư liệu sản xuất ra các giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với phương thức sản xuất chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, các mô hình kinh tế tập thể và hợp tác xã trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, quy mô cũng không lớn. Trong xu thế phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế thị trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức, kinh tế hộ nông dân Cao Bằng đã có nhiều thay đổi trong chuyển đổi các mô hình sản xuất giống mới có năng xuất, chất lượng cao; áp dụng khoa học, kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP,  chất lượng và thương hiệu sản phẩm như: nếp hương, bò u của huyện Bảo Lạc; nếp ong, hạt dẻ, tương Meéc cảng, cam, quýt của huyện Trùng Khánh; miến dong, mía của huyện Nguyên Bình; thuốc lá của huyện Hòa An. Cao Bằng còn nhiều tiềm năng và đa dạng về các nguồn sản phẩn nông nghiệp như thạch đen, lạc, đỗ tương, dê, ngoài ra các nguồn dược liệu quý như thất diệp nhất chi hoa, xoỏm đeng…Tuy nhiên, so với các tỉnh trong cả nước, nền kinh tế nông nghiệp của Cao Bằng nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng còn đi chậm về cả quy mô và tính chất phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Nhiều hộ còn  chăn nuôi nhỏ lẻ, ít hộ có được trang trại quy mô lớn cỡ 100 con bò, 100 con lợn hay 1000 con gà hay chục ha Trúc, quế, hồi.
Qua thực tiễn nghiên cứu phương thức sản xuất, có thể thấy kinh tế nông hộ của người nông dân Cao Bằng chủ yếu áp dụng phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp thủ công, bán thủ công, đầu tư khá dàn trải, không tập trung, nên năng xuất chất lượng không cao, thị trường nhỏ bé, chưa có sự bứt phá về tính chất, quy mô cũng như doanh thu. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chưa có thương hiệu, bao bì, nhãn mác.
Để các mặt hàng nông sản của Cao Bằng cạnh tranh được với thị trường trong nước và đưa được sản phẩm của của Cao Bằng vượt ra khỏi địa phương đến được với cả nước và quốc tế thì quy mô số lượng phải đủ lớn lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như: VietGap, GlobalG.A.P, hữu cơ Việt Nam, hay theo các tiêu chuẩn quốc tế Mỹ, Nhật thì sản phẩm hàng nông sản phải đạt theo quy chuẩn nhất định, trích xuất được nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thông tin. Ngoài chất lượng sản phẩm, thì thương hiệu, quảng bá hình ảnh và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp là những điều kiện tiên quyết để nhiều người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, trao đổi, mua bán, qua đó tăng doanh thu, tái mở rộng đầu tư sản xuất phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Đây cũng là những điểm còn thiếu và yếu của kinh tế nông nghiệp chủ yếu với phương thức sản xuất nhỏ của các nông hộ, nông dân Cao Bằng. Nông dân Cao Bằng cần nhanh chóng thực hiện một số giải pháp thay đổi về phương thức sản xuất từ kinh tế hộ gia đình sang kinh tế quy mô vừa và nhỏ theo hướng hiện đại, phù hợp với quá trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hội nhập hiện nay.
Thứ nhất, về mặt nhận thức: nông dân Cao Bằng cần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt thủ công, bán thủ công, sang phương thức sản xuất mới áp dụng khoa học công nghệ. Không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung lựa chọn những cây con chủ lực có chất lượng, thị hiếu của trường (không sản xuất cái gì mình có, mà sản xuất cái thị trường cần). Hoặc lựa chọn những cây giống, con giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tham gia các lớp kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để hiểu tập tính đặc tính, nguồn dinh dưỡng, thức ăn, phòng trừ các loại bệnh tật của cây, con giống. Thay đổi tư duy sử dụng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang hướng sử dụng các chế phẩm vi sinh có lợi cho môi trường. Thay đổi từ việc thụ động chờ thương lái, doanh nghiệp đến tìm mua sản phẩm sang chủ động tìm kiếm các thương lái, doanh nghiệp, đối tác. Mở rộng mối quan hệ giao lưu giới thiệu quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức, hợp tác đối tác, ký kết hợp đồng lâu dài.
Thứ hai, về phương thức sản xuất (cách thức sản xuất): cần thay đổi từ quy trình sản xuất kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã hoặc thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩu tư theo chuỗi giá trị từ đầu vào, sản xuất, đầu ra. Vì thực chất kinh tế hộ gia đình chỉ phù hợp với nền kinh tế hàng hóa ở giai đoạn thấp, thị trường nhỏ. Trong kinh tế thị trường hội nhâp và sự phát triển của khoa học, công nghệ, cạnh tranh như hiện nay, cách sản xuất này không còn phù hợp vì tư liệu sản xuất thường phân tán, không tập trung, khó kiểm soát chất lượng, chất lượng sản phẩm không đồng đều, phụ thuộc vào kỹ thuật của từng hộ gia đình, xóa được đói nhưng không giảm được nghèo. Muốn sản xuất trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa thương phẩm có giá trị cao trong nền kinh tế thị trường, thì tập trung tư liệu sản xuất, tích tụ nguồn lực đất đai, vốn, kỹ thuật, công nghệ là những yếu tố quan trọng, mà kinh tế hộ gia đình khó có điều kiện đáp ứng. Khi và chỉ khi các hộ nông dân hợp tác, liên doanh, liên kết lại với nhau một cách bền vững, cùng góp vốn đầu tư, cùng quản lý và chăm sóc theo một quy trình sản xuất nhất định, sản phẩm sẽ có tính đồng đều về số lượng, chất lượng hơn hẳn phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ kinh tế gia đình. Cách thức kiểm soát về dịnh bệnh, môi trường cũng thuận lợi hơn cho các công tác quản lý nhà nước.

  
(phương thức chăn nuôi gà áp dụng          (phương thức chăn muôi nhỏ lẻ)
khoa học và công nghệ)
Thứ ba, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch: khi bàn tới phương thức sản xuất trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất sản phẩm tươi và thô theo kiểu truyền thống. Thực tế cho thấy các sản phẩm tươi và thô thường chỉ bảo quản trong thời gian rất ngắn dễ bị hư hỏng, giá trị kinh tế không cao. Các sản phẩm nông nghiệp muốn đạt hiệu quả giá trị về kinh tế cao cần qua khâu bảo quản, chế biến thành các sản phẩm tinh (sản phẩm đóng hộp, kho chứa đông lạnh, kho chân không). Đây cũng chính là khâu yếu nhất của nông dân và kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, vì không đủ nguồn lực về vốn và kỹ thuật của phương thức bảo quản, chế biến theo quy trình công nghiệp hiện đại. Lúc này người nông dân, cần có sự tiếp sức của các doanh nghiệp hoặc nông dân phải tự mình bứt phá vươn lên trở thành những doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng kho chứa bảo quản sản theo quy trình kép kín. Kho chứa hiện đại, hay khu chế xuất nhỏ sẽ là điểm tập kết tốt nhất của hàng nông sản sau thu hoạch cũng như trước biến động của thị trường, đồng thời ổn định giá cả, thu hoạch một mùa có thể bán quanh năm, khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giải cứu” khi thị trường tiêu thụ bị đứt gẫy, đóng băng như thời điểm của đại dịch covid hay Trung Quốc đóng cửa đường biên.
Thứ tư, xây dựng uy tín sản xuất và thương hiệu sản phẩm: đây cũng là một trong những yếu tố qua trọng, khi thị trường và nhu cầu của khách hàng ngày càng hướng đến những sản phẩm đảm bảo về chất lượng, thương hiệu và uy tín. Chính vì vậy các sản phẩm nông nghiệp của nông dân Cao Bằng muốn vươn xa cũng cần phải được xác lập quyền đăng ký bảo hộ về thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định uy tín và danh tiếng của sản phẩm và mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Phương pháp canh tác nhỏ lẻ lạm dụng thuốc kích thích, hóa chất, không rõ về nguồn gốc xuất xứ không còn phù hợp với kinh nền kinh tế thị trường, dần dần sẽ bị người tiêu dùng loại bỏ.
Thứ năm, quảng bá sản phẩm nông nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu: đây cũng là một hoạt động quan trọng để đưa sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩn, mang lại lợi nhuận và doanh thu cho nông dân. Thực tế cho thấy, hàng tốt mà ít người biết, thị trường nhỏ thì doanh thu kém. Cách tốt nhất để tiêu thụ sản phẩm là quảng bá sản phẩm, quảng bá quy trình sản xuất của hộ gia đình, tập thể, hợp tác xã bằng hình ảnh, các bài viết ngắn qua cách kênh giao tiếp cá nhân như zalo, facebook, youtobe, mời đối tác đến trực tiếp tham quan, dùng thử trải nghiệm sản phẩm, cao hơn có thể quảng cáo qua các kênh thông tin chính thống của báo chí, truyền thanh, truyền hình. Từ đó tạo niềm tin, uy tín của hàng nông sản, gắn kết khách hàng, đối tác với thương hiệu sản phẩm một cách bền chặt và lâu dài.
Thứ sáu, vai trò quản lý nhà nước trong kết nối doanh nghiệp lớn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác: muốn mở rộng thị trường, cạnh tranh với các đối thủ giữa các vùng miền trong nước và quốc tế, không thể thiếu được vai trò quản lý nhà nước của các sở, ban ngành liên quan như Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơ Công Thương, Sở Khoa học công nghệ trong việc kết nối sản phẩm nông sản của người nông dân với các doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ, kiểm tra chất lượng, đăng ký nhãn mác thương hiệu sản phẩm của các nhóm đồng sở thích,  hợp tác xã nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng khi nông dân, các hợp tác xã, nhóm sở thích chưa có đủ năng lực kết nối thị trường.
Trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường hiện nay gắn với tri thức hiện nay, để trụ vững và vươn lên theo mục tiêu chung của cả nước: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Người nông dân cũng cần phải tự mình vươn lên, bứt phá, thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ một cách chuyên nghiệp quy trình sản xuất hiện đại Đây là xu thế và cũng là quy luật phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế.



 

Tác giả bài viết: Th.s Trần Thị Thu Hồng, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,654
  • Tháng hiện tại55,044
  • Tổng lượt truy cập2,012,864
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây