Khó khăn trong dạy nghề và hỗ trợ nông dân

Thứ hai - 29/05/2017 04:58
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN&HTND), Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác dạy nghề, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay công tác này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp thiết thực để việc DN&HTND đạt hiệu quả.
Nông dân xã Hoàng Tung (Hòa An) tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức.
Nông dân xã Hoàng Tung (Hòa An) tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức.
Những năm qua, Trung tâm DN&HTND phối hợp với Hội Nông dân các huyện, Thành phố điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân. Từ năm 2011 - 2014, Trung tâm mở 33 lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thu hút 962 học viên tham gia. Các học viên được hỗ trợ tiền tài liệu; đối với con em gia đình chính sách, hộ nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số được trợ cấp tiền ăn, tiền xăng xe. Đặc biệt, Trung tâm mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, bảo đảm nội dung và chất lượng theo quy định; gắn lý thuyết với thực hành và tham quan thực tế. Với phương châm dạy hiểu lý thuyết trên lớp, áp dụng thực hành ngay tại chỗ nên học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo... Chị  Nông Thị Tâm, hội viên Chi hội nông dân xóm Kéo Quý, xã Đức Thông (Thạch An) bộc bạch: Qua theo học lớp chăn nuôi - thú y do Trung tâm DN&HTND tỉnh tổ chức tại UBND xã, tôi đã nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình. Cùng với học nghề, tôi còn được Dự án nuôi bò sinh sản “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn khuyến nông - khuyến lâm” hỗ trợ 5 triệu đồng mua bò cái sinh sản.

Bên cạnh công tác dạy nghề, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm tổ chức 1.210 điểm trình diễn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp các ngành liên quan tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 3.000 hội viên; cung ứng trên 8.000 tấn phân bón các loại… Từ hoạt động DN&HTND, nông dân được nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp và vận dụng thực tế đạt hiệu quả, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, quá trình triển khai DN&HTND đang gặp khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Truân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm DN&HTND, khó khăn lớn nhất là về kinh phí. Theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Hội Nông dân chỉ được cấp một phần kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề, việc phân bổ kinh phí, ký hợp đồng dạy nghề còn chậm. Do Trung ương chưa phân bổ kinh phí  từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DN&HTND chưa phối hợp với các địa phương tổ chức chiêu sinh lớp dạy nghề cho nông dân.

Hiện, Trung tâm DN&HTND chưa có địa điểm để tổ chức dạy và học nghề nên phải mượn địa điểm; không có giáo viên chính thức giảng dạy, khi có điều kiện mở lớp, Trung tâm mời các giáo viên từ các trường, trung tâm khác đến giảng dạy hợp đồng theo khóa học nên ảnh hưởng tới chất lượng dạy nghề. Ngoài ra, Trung tâm chỉ dạy nghề lao động nông thôn trình độ sơ cấp, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp có thời gian từ 3 tháng trở xuống, không đào tạo những nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động, dẫn đến tỷ lệ người lao động tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn tại Trung tâm rất thấp. Tổ chức bộ máy của Trung tâm DN&HTND còn kiêm nhiệm; hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân gặp phải sự cạnh tranh của các đại lý, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các hội, đoàn thể trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân chưa đồng bộ.  

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Tâm cho biết: Nguyên nhân nông dân không “mặn mà” học nghề là do nhận thức của nhiều người về tầm quan trọng của công tác dạy nghề là không cần thiết, bên cạnh đó, trên thực tế một số người là lao động chính trong gia đình nên thời gian học 3 tháng ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của gia đình.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm, Trung ương, tỉnh cần sớm phân bổ kinh phí để Trung tâm DN&HTND tổ chức chiêu sinh và mở lớp dạy nghề cho nông dân. Các hội, đoàn thể, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp nghề đúng theo nhu cầu của họ, từ đó, thu hút học viên học nghề để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,596
  • Tháng hiện tại38,660
  • Tổng lượt truy cập2,062,840
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây