Đội Du kích Pác Bó - cơ sở thực tiễn xây dựng Đội VNTTGPQ

Chủ nhật - 26/10/2014 22:07
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), chúng ta không thể quên Đội du kích Pác Bó do Bác Hồ chỉ đạo thành lập tháng 10/1941, tại căn cứ địa Cao Bằng. Đây là đội quân kiểu mới, làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, ở Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ngay khi về Pác Bó, trong khi trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, Người đề ra nhiệm vụ gấp rút tổ chức lực lượng vũ trang, bắt đầu từ việc xây dựng các đội tự vệ, tìm kiếm vũ khí. Người chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng phải nhanh chóng “Chọn những người tốt nhất để tổ chức thành đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”. Bởi theo Người: Nếu cứ để từng người, từng khẩu như thế và ở rải rác mỗi người một nơi thì cũng chỉ bảo vệ được một mình mình thôi, mà cũng chưa chắc. Muốn phát huy được tác dụng của vũ khí, phải tập trung anh em lại, phải có tổ chức, có chỉ huy, có kế hoạch học tập và hoạt động. 

Rồi Người giao cho hai đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba tổ chức đội vũ trang tập trung, chọn được 12 đồng chí (11 nam, 1 nữ) là những hội viên cứu quốc trung thành, dũng cảm, khoẻ mạnh, có súng và đã qua thử thách trong thực tế... Người cử đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Lê Đinh (tức Lê Thiết Hùng) làm Chính trị viên, đồng chí Trần Sơn Hùng (tức Hoàng Sâm) làm Đội phó. Các đội viên gồm có các đồng chí: Cường Tiến (tức Nguyễn Văn Cơ, về sau đổi tên là Bằng Giang), Hải Tâm (tức Bế Sơn Cương), Đức Thanh, Thế An, Nông Văn Chủng (tức Phùng), Tống Dề (tức La), Nông Thị Trưng, Quang Hưng (tức Dương Mạc Hiếu), Sĩ Cương. Tất cả đều là đảng viên chính thức. Đội được trang bị 2 súng thập, 2 súng lục, 1 súng bát, 2 súng trường, với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt nối liền cơ quan đầu não tại Pác Bó với Đảng bộ Cao Bằng tại Lam Sơn, Hồng Việt (Hòa An), vũ trang tuyên truyền trong quần chúng, và huấn luyện tự vệ chiến đấu ở địa phương.

Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm tại bãi ruộng to có tên Pài Co Nhản ở Pác Bó vào tháng 10/1941. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến dự Lễ thành lập Đội và căn dặn: “Toàn đội phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước”. Đội du kích có Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, đồng chí Lê Thiết Hùng làm Bí thư Chi bộ. 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến đứa con đầu lòng này của lực lượng vũ trang Cao Bằng. Ngoài các nhiệm vụ của Đội là chiến đấu và tuyên truyền vận động nhân dân, Người giao thêm nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này. Người thường xuyên thăm hỏi, bảo ban cặn kẽ, giúp đỡ nhiều mặt để Đội du kích Pác Bó thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. 

Người dạy: Phải hết sức giữ bí mật, ở đâu địch không biết, đến đâu, làm gì địch không hay. Dựa vào địa hình rừng núi, nhưng chủ yếu phải dựa vào “nhân sơn”, “nhân hải”. Người chỉ đạo chương trình, kế hoạch huấn luyện của Đội. Người cho ý kiến về các khẩu lệnh quân sự như “Nghiêm”, “Bên phải, quay”, “Bên trái, quay!” do đồng chí Lê Thiết Hùng dịch từ tiếng Trung Quốc (“lập chính!”, “hướng tả, chuyển!”, “hướng hữu, chuyển!”…). Người làm mẫu động tác chào có súng mà Người gọi là “chào theo kiểu chữ V, theo kiểu Việt Minh”. Người trao cho cán bộ chỉ huy 10 điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích do Người trực tiếp soạn thảo, để Đội vũ trang học tập và thực hiện. 10 điều kỷ luật sau này đã phát triển thành 10 lời thề của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) và trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Sau khi lớp huấn luyện bế mạc, chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “huấn luyện xong, đi công tác ngay”, được quần chúng giúp đỡ, Đội du kích Pác Bó đi sâu vào trong phong trào quần chúng để tuyên truyền và xây dựng cơ sở cách mạng. Nhiệm vụ của Đội chủ yếu là vũ trang tuyên truyền, hoạt động tập trung cho đến khoảng cuối tháng 3/1942 thì phân tán người ở châu nào về xây dựng đội vũ trang ở châu ấy, rồi được điều đi tổ chức các đội bảo vệ, các tổ xung phong Nam tiến; tổ chức, huấn luyện các đội vũ trang tập trung các châu, tổng và phát triển các đội du kích nửa vũ trang - tự vệ chiến đấu xã... Hoạt động của Đội có vai trò nòng cốt trong xây dựng lực lượng nửa vũ trang của phong trào cách mạng chủ yếu ở Cao Bằng, đến cuối tháng 7/1943 thì kết thúc. 

Đội du kích Pác Bó chỉ tồn tại khoảng hai năm. Song đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng, Bác Hồ tổ chức xây dựng Đội VNTTGPQ. Đồng chí Hoàng Sâm, nguyên Đội phó Đội du kích Pác Bó được cử làm Đội trưởng Đội VNTTGPQ; đồng chí Lê Quảng Ba, Đội trưởng đầu tiên của Đội du kích Pác Bó trực tiếp tham gia lựa chọn người, tập trung vũ khí và xây dựng kế hoạch cụ thể thành lập Đội VNTTGPQ.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,618
  • Tháng hiện tại55,008
  • Tổng lượt truy cập2,012,828
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây