Những thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế

Thứ ba - 18/10/2022 23:51
Những năm trở lại đây, các cấp bộ Ðoàn toàn tỉnh luôn xác định hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Ðoàn và phong trào thanh niên. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Anh La Trọng Điệp, xã Phong Châu (Trùng Khánh) hướng dẫn người dân sử dụng máy nông nghiệp
Anh La Trọng Điệp, xã Phong Châu (Trùng Khánh) hướng dẫn người dân sử dụng máy nông nghiệp

Phó Bí thư Đoàn xã Phong Châu (Trùng Khánh) La Trọng Điệp là một trong những thanh niên tiêu biểu của huyện Trùng Khánh đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tuy còn trẻ nhưng anh Điệp mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư và khởi nghiệp thành công với mô hình cửa hàng bán và sửa chữa các loại máy nông nghiệp, cửa hàng chuyên bán và cung cấp các sản phẩm OCOP.

Ban đầu, anh Điệp thực hiện mô hình trồng chanh leo với quy mô lớn nhưng không thành công. Với ý chí quyết tâm không bỏ cuộc và nghị lực vươn lên thoát nghèo, năm 2016, sau khi bàn bạc với gia đình, anh Điệp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện thông qua nguồn vốn tín chấp của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện 200 triệu đồng mở cửa hàng và xưởng sửa chữa, cung cấp phụ tùng các loại máy nông nghiệp.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay, cửa hàng của gia đình anh cho thu nhập ổn định. Ngoài vươn lên thoát nghèo, tự chủ về kinh tế, anh Điệp còn tạo việc làm ổn định cho hai thanh niên với tiền công 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Điệp chia sẻ: Sau thất bại của mô hình trồng chanh leo, tôi suy sụp vì gần như mất trắng số vốn. Được sự động viên của gia đình, nhất là của vợ, tôi đã vực dậy ý chí, quyết tâm đổi mới phương pháp và cách thức phát triển kinh tế. Tìm hiểu thông tin qua ti vi, báo và mạng xã hội, tôi mạnh dạn vay vốn, tự mở một cửa hàng sửa chữa và bán các loại máy nông nghiệp. Đến nay, cửa hàng hoạt động ổn định, trừ các loại phụ phí, mỗi năm đạt thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng.

Dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, ngoài phát triển cửa hàng bán và sửa chữa các loại máy nông nghiệp, gần đây nhất, tháng 9/2022, anh Điệp mở thêm cửa hàng chuyên bán và cung cấp các sản phẩm OCOP. Sau gần một tháng khai trương, đến nay, cửa hàng đã hoạt động ổn định, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm khi có dịp đến huyện Trùng Khánh.

Chị Hoàng Thị Trang, xóm Đông Chiêu, xã Cách Linh (Quảng Hòa) cùng sản phẩm viên nén mùn cưa.

KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

Tận dụng cành, thân cây của các hộ gia đình trồng rừng, mùn cưa, rác dăm, phụ phẩm tại các xưởng mộc làm nguyên liệu chế biến để tạo nên sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế lớn hơn như viên nén mùn cưa, ván gỗ ép phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu là hướng phát triển kinh tế đã và đang được đoàn viên Hoàng Thị Trang, xóm Đông Chiêu, xã Cách Linh (Quảng Hòa) thực hiện hiệu quả.

Xuất phát ý tưởng khởi nghiệp từ những nguyên liệu tái chế, năm 2021, chị Hoàng Thị Trang vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện 400 triệu đồng thông qua nguồn tín chấp của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện mở xưởng sản xuất năng lượng xanh.

Xưởng sản xuất năng lượng xanh có diện tích hơn 300 m2, chuyên cung cấp các sản phẩm năng lượng thân thiện với môi trường, như: viên nén mùn cưa (nguyên liệu chính tạo ra nhiệt lượng trong ngành công nghiệp), tấm gỗ pallet gỗ keo (dùng để kê đồ, hàng nặng) với kích thước 1m x 1m, tấm gỗ dán với kích thước 1m x 1m… Hiện nay, viên nén mùn cưa có giá 3,3 nghìn đồng/kg, tấm gỗ pallet gỗ keo có giá 150 nghìn đồng/tấm, tấm gỗ dán có giá 56 nghìn đồng/tấm.

Chị Trang cho biết: Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương chưa được khai thác triệt để, không những bỏ phí một sản phẩm cho kinh tế cao mà còn gây ô nhiễm môi trường, tháng 9/2021, tôi đầu tư phát triển mô hình xưởng sản xuất năng lượng xanh với nhiều máy móc tiên tiến, hiện đại. Đến nay, xưởng sản xuất hoạt động ổn định, các đơn hàng trong và ngoài tỉnh đều đặn hơn. Năm 2021, tôi xuất bán ra thị trường 80 - 100 tấn viên nén mùn cưa, 400 - 500 tấm gỗ pallet gỗ keo kích thước 1m x 1m và tấm gỗ dán kích thước 1m x 1m. Trừ các loại chi phí đạt thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Ngoài phát triển mô hình xưởng sản xuất năng lượng xanh, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, năm 2022, mô hình xưởng sản xuất năng lượng xanh của chị Trang xuất sắc trở thành một trong hai mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn tỉnh lọt vào vòng bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Anh Hà Văn Lập, xóm Bản Nha, xã Cô Ngân (Hạ Lang) (đứng giữa) giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO

Với sức trẻ, không ngại khó, ngại khổ cùng với khát khao lập nghiệp, chàng thanh niên Hà Văn Lập (sinh năm 1991), xóm Bản Nha, xã Cô Ngân (Hạ Lang) đã biết nắm bắt thời cơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Hạ Lang, anh Lập luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, vươn lên lập thân, lập nghiệp, ổn định kinh tế gia đình. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Lập trở về quê với mong muốn phát triển kinh tế địa phương. Từ nguồn vốn của gia đình, sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, anh Lập mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC).

Hiện nay, gia đình anh nuôi gần 20 con lợn (13 con lợn thịt, 7 con lợn nái), trên 80 con gà mái ri, 30 con ngan. Ao cá được đầu tư đa dạng với các giống cá trê, trắm cỏ, cá rô trên diện tích hơn 300 m2. Ngoài chăn nuôi, gia đình anh trồng trên 400 gốc cây ăn quả các loại (cam, quýt, thanh long…). Trừ các loại chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Bằng tinh thần tự lực vươn lên, anh Lập xứng đáng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Câu chuyện vượt khó làm giàu của anh là động lực để các đoàn viên thanh niên trong và ngoài huyện Hạ Lang không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống ấm no từ đôi bàn tay và khối óc của mình.

Bước ra khỏi "vùng an toàn", mạnh dạn, quyết tâm, thông minh, sáng tạo là những đức tính mà nhiều bạn trẻ đã và đang mang trong mình. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương, thế hệ trẻ Cao Bằng hôm nay đang phát huy phẩm chất tốt đẹp của người đoàn viên, xứng đáng là những bông hoa ngát hương trong vườn hoa thơm "học và làm theo Bác".

Nguồn tin: Thủy Tiên - Báo Cao Bằng điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay1,595
  • Tháng hiện tại54,985
  • Tổng lượt truy cập2,012,805
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây