Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng

https://hoinongdan.caobang.gov.vn


Lễ “lồng lảng” của người Tày ở Cao Bằng

Trong đám cưới của người Tày, phần lễ thường trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Trong đó, lễ “lồng lảng” (xuất giá) là một nghi thức quan trọng, ý nghĩa và không kém phần ấn tượng.
Phụ nữ trong đám cưới người Tày ở Trùng Khánh chuẩn bị các bước cho lễ “lồng lảng”.
Lễ “lồng lảng” trong đám cưới người Tày ở Cao Bằng xuất phát từ hình thức nhà ở của người Tày xưa là nhà sàn. “Lồng lảng” nghĩa thông thường chỉ sự di chuyển của một người từ trên nhà theo cầu thang đi xuống sân đất. Nhưng “lồng lảng” còn có hàm ý “xuất giá” để chỉ con gái đi lấy chồng và nghi thức cô gái bắt đầu rời nhà bố mẹ đẻ đi về nhà chồng. Ngày nay, đám cưới của người Tày so với trước kia đã có nhiều sự thay đổi, nhưng nghi thức “lồng lảng” thì hầu như vẫn giữ khá nguyên vẹn được những thủ tục xưa kia. Bởi vì đối với người Tày giờ phút “lồng lảng” là giờ phút rất thiêng liêng, quan trọng và ý nghĩa, đánh dấu sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt đối với người con gái.

Trong đám cưới người Tày, người con gái khi “lồng lảng” phải trải qua nhiều nghi thức, nhiều thủ tục có tính bắt buộc. Giờ “lồng lảng” do nhà gái và đại diện nhà trai thỏa thuận sau khi đã nhờ thầy tào lựa chọn trước đó. Giờ được chọn gọi là giờ tốt. Đúng vào giờ ấy, quan lang dẫn rể vào bái lạy tổ tiên của gia đình nhà gái và xin đón dâu. Sau lễ xin dâu, đại diện nhà trai cảm ơn gia đình, họ hàng, hàng xóm và những người phục vụ trong đám cưới nhà gái bằng những lời hát hoặc lời cảm tạ chân thành rồi ra khỏi nhà gái, đi một đoạn đường sẽ dừng lại, chờ đoàn nhà gái làm lễ “lồng lảng” xong để đưa dâu theo về.

Sau khi đoàn nhà trai đã ra khỏi nhà, lễ “lồng lảng” dành riêng cho cô dâu bắt đầu. Của hồi môn của cô dâu mang theo để về nhà chồng với chăn màn, quần áo và các đồ dùng khác của một gia đình, quà để tặng bố, mẹ chồng, các thành viên gia đình chồng. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn, mọi thứ đều gói bọc cẩn thận và buộc bằng những sợi dây đỏ. Toàn bộ các đồ đạc của cô dâu được mang ra xếp trước bàn thờ tổ tiên. Cô dâu sẽ bước ra trước bàn thờ, lạy tổ tiên, lạy bố mẹ. Mẹ cô dâu đi vào chân con gái đôi giày, đội lên đầu con gái chiếc nón mới và nói nhỏ dặn dò con gái những điều cần thiết. Con gái đứng lên, mẹ cài vào giày con những đồng tiền. Các cô, dì, chị em cũng đặt những đồng tiền dưới chân cô dâu, đeo vào tay những chiếc nhẫn vàng… biểu thị tượng trưng cho hy vọng cô dâu “làm ăn” sẽ gặp nhiều may mắn, của cải sẽ dồi dào, cuộc sống sẽ giàu sang, chân giẫm lên tiền, tay đầy vàng bạc. Cô dâu bước xuống cầu thang, người mẹ đi theo từng bước “lồng lảng” từ cầu thang xuống sân đất bắt đầu rời nhà mẹ đẻ để theo chồng. Cô dâu sẽ không được ngoảnh mặt nhìn mọi người và dừng lại, chỉ hướng về phía trước để đi theo chồng. Trên suốt đoạn đường về nhà chồng dù xa hay gần, cô dâu tuyệt đối cũng không được ngoảnh mặt trở lại nhà mình, gặp người quen không được cười, người lạ hỏi, không được thưa. Đoàn nhà gái đi đến chỗ đoàn nhà trai đợi phía trước thì cùng nhau tiếp tục hành trình. Nếu trên đường từ nhà gái về nhà trai mà gặp một đoàn của một đám cưới khác thì cô dâu và chàng rể của đám cưới này sẽ gặp cô dâu, chàng rể của đám cưới kia. Họ trao nhau những vật kỉ niệm. Theo quan niệm của người Tày, đây được coi là cuộc gặp gỡ đầy may mắn. Về đến nhà trai, theo giờ hẹn, nhà trai sẽ làm lễ đón dâu, với những nghi thức, thủ tục vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa coi trọng, quý mến con dâu.

Hiện nay, do rất nhiều nguyên nhân nên bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc bị mai một. Nhưng đối với người Tày ở Cao Bằng, lễ “lồng lảng” trong ngày cưới vẫn được gìn giữ, bởi không chỉ là phong tục mà hàm chứa trong đó là sự giáo dục, truyền dạy văn hóa ứng xử đẹp của con người.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây