Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng

https://hoinongdan.caobang.gov.vn


Phúc Sen phát huy nghề rèn truyền thống

Chúng tôi đến xã Phúc Sen (Quảng Uyên), nơi có nghề rèn truyền thống hàng trăm năm tuổi. Không ai biết chính xác nghề rèn ở xã Phúc Sen có từ bao giờ, chỉ biết rằng người dân ở Phúc Sen những năm gần đây đang “đổi đời” nhờ nghề rèn của ông cha để lại.
Xã viên Hợp tác xã Minh Tuấn, xã Phúc Sen rèn dao.
LÀNG RÈN LUÔN ĐỎ LỬA

Đến đầu khu Thanh Minh, tiếng “leng keng” do những thợ rèn tạo ra vọng lại dồn dập nghe rất vui tai.Ánh lửa của than hồng bùng lên từ những lò rèn như thôi thúc  người thợ hăng say quai búa để làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày như: Dao, búa, liềm, cuốc, rìu... trong đó chủ yếu là sản xuất dao các loại. 

Nghỉ tay sau khi rèn dao từ sáng sớm, ông Nông Văn Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Minh Tuấn chia sẻ: Gia đình tôi đã có truyền thống 4 đời làm nghề rèn. Từ khi hơn 10 tuổi, tôi đã học và phụ giúp lò rèn của gia đình. Đến năm 2008, khi đã vững tay nghề, tôi mở lò rèn riêng. Năm 2012, thấy nhu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm của thị trường ngày càng lớn, tôi cùng một số người trong xóm thành lập HTX Minh Tuấn với 8 thành viên. Nguyên liệu làm ra sản phẩm rèn là thép lấy từ lá nhíp xe ô tô cũ chủ yếu thu mua tại các tỉnh miền xuôi. 

Theo ông Tuấn, để làm ra một con dao phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của những người thợ lành nghề. Mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người thợ. Điều đặc biệt, những công cụ bằng sắt thép ở đây được tạo nên bởi các lò rèn thủ công, rèn bằng đôi mắt, đôi bàn tay cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe bền bỉ, tính kiên trì, đôi mắt tinh tường, kỹ năng tốt. Mỗi công đoạn đều cần sự chuẩn xác nhưng khó nhất vẫn là công đoạn tôi sản phẩm. Vì chỉ sản xuất thủ công nên hiện nay, mỗi ngày, một người thợ của HTX chỉ làm được trung bình từ 3 - 4 con dao, giá bán các loại dao trung bình từ 30.000 - gần 300.000 đồng/sản phẩm. Thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, HTX bán ra hơn 3.000 sản phẩm các loại. Không chỉ bán tại địa phương, HTX còn mang sản phẩm đi tham dự các hội chợ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

TRĂN TRỞ LÀNG NGHỀ

Nghề rèn là một trong những nghề phụ của đại đa số người dân ở Phúc Sen, trải qua quá trình phát triển lâu dài với những cách thức tổ chức sản xuất khác nhau. Ban đầu, hoạt động rèn chỉ diễn ra vào lúc nông nhàn, sản phẩm chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Dần dần, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sản phẩm rèn Phúc Sen đã đến được với người tiêu dùng ở khá nhiều nơi trong cả nước và được khách hàng tín nhiệm bởi chất lượng của sản phẩm.
Với thương hiệu, chất lượng được khẳng định qua năm tháng, sản phẩm rèn Phúc Sen luôn là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Phúc Sen. Dù chỉ được coi là nghề phụ nhưng nghề rèn đã vượt ra khỏi phạm vi của tính tự cung tự cấp, trở thành hàng hóa đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần giảm nghèo cho người dân. Ông Nông Lưu Luyến, xóm Phja Chang trên tâm sự: Gia đình tôi đã có 5 đời làm nghề rèn. Thời xưa, do chưa có nhiều loại máy móc như bây giờ nên tất cả các công đoạn rèn đều làm bằng tay, một người thợ rèn khỏe mạnh mỗi ngày chỉ rèn được 1 - 2 con dao. Nhưng ngày nay có thêm máy dập, máy mài nên mỗi người thợ lành nghề có thể rèn được 3 - 4 con dao tùy vào kỹ năng của mỗi người thợ... Với kinh nghiệm 30 năm làm nghề rèn, theo ông Luyến, khi đốt lò nên dùng than củi vì than củi nhiệt độ vừa phải, giúp sản phẩm có độ bền, sắc. Nhiều sản phẩm như dao chặt loại dày nếu được rèn bởi người thợ có tay nghề cao có thể dùng cả đời cũng không hỏng, khi cùn chỉ cần đem mài qua là lại sắc.

Hiện nay, xã Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn, gồm: Pác Rằng, Phja Chang trên, Phja Chang dưới, Đâư Cọ, Lũng Vài, Tình Đông. Cả xã có gần 150 lò rèn với khoảng 200 hộ làm rèn, trên 500 thợ rèn lành nghề. Với giá bán trung bình từ vài chục nghìn đồng đến hơn 200 nghìn đồng/sản phẩm, mỗi năm người dân ở Phúc Sen làm ra hàng vạn sản phẩm với giá trị vài tỷ đồng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân giảm nghèo. Năm 2017, xã chỉ còn 45 hộ nghèo, chiếm 10,1% số hộ; 80 hộ cận nghèo, chiếm 18% số hộ. Nhiều hộ đã tập trung lại để thành lập HTX chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rèn, như: HTX Minh Tuấn, HTX Long Chiến. Hằng năm, các HTX này được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ đưa sản phẩm đi bày bán tại các hội chợ thương mại trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. 

Bà Nông Thị Dung, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen khẳng định: Khó khăn nhất với nghề rèn ở Phúc Sen là hiện nay có nhiều sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường lấy thương hiệu của Phúc Sen làm giảm uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm rèn chủ yếu bán tại địa phương, chưa có đầu ra ổn định nên thu nhập của người làm nghề chưa cao. Mong thời gian tới các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tìm đầu ra ổn định, quảng bá thương hiệu của sản phẩm rèn Phúc Sen trong và ngoài tỉnh để tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề rèn truyền thống ở địa phương.

Nghề rèn ở Phúc Sen mang lại giá trị kinh tế tương đối lớn, do đó, việc lưu giữ, bảo tồn nghề rèn luôn là vấn đề được địa phương và các cấp, ngành quan tâm. Bảo tồn và phát triển nghề rèn ở Phúc Sen ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc của người Nùng An. 
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tay nghề cho người dân, thành lập mô hình các HTX, tổ nhóm sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường và đặc biệt cần chú trọng giải pháp đầu tư phát triển nghề rèn song song với phát triển du lịch để góp phần đưa xã Phúc Sen ngày càng phát triển.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây