Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa An Nông Mùi Thượng cho biết: Tại Hòa An, trước đây các hộ dân phải mất nhiều thời gian, công lao động để hoàn thành việc làm đất, thu hoạch vì chủ yếu làm theo cách thủ công. Gần đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân mua các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có gần 8.000 máy nông nghiệp các loại, trong đó, 5.010 máy cày, kéo. Tỷ lệ cơ giới hoá trong làm đất nông nghiệp tăng từ 60% năm 2012 lên hơn 80% năm 2015. Trong chăn nuôi, các hộ dân mua gần 2.600 máy nghiền, băm, thái thức ăn; tỷ lệ cơ giới hoá trong chăn nuôi tính theo tỷ lệ công việc đạt trên 40%. Tại xã Nam Tuấn, nhân dân hiện nay đã cơ giới hóa trong khâu làm đất gần 100%.
Ông Nông Văn Trung, xóm Pác Pan, xã Nam Tuấn (Hòa An) cho biết: Gia đình tôi có trên 3.000 m2 đất ruộng, ban đầu làm đất bằng trâu, bò cày kéo, mất nhiều chi phí, thời gian làm đất và sức lao động. Nhờ chính sách của Nhà nước cho vay lãi suất ưu đãi, gia đình tôi vay vốn ngân hàng mua máy móc thiết bị phục vụ làm đất, chăn nuôi làm giảm chi phí, thời gian và giải phóng một phần sức lao động trong làm đất, thái rau... Do vậy, tôi có điều kiện thâm canh tăng vụ, sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ ngô và các loại rau màu khác, hằng năm thu hơn 3 tấn thóc, 1 tấn ngô. Duy trì nuôi 1 - 2 con lợn nái, 12 - 15 con lợn thịt/lứa, xuất chuồng trên 1,2 tấn thịt lợn hơi/năm. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi gần 100 triệu đồng/năm.
Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đem lại lợi ích lớn cho nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn cơ giới hóa đem lại hiệu quả tối ưu đòi hỏi đồng ruộng phải bằng phẳng, diện tích đất canh tác phải đủ lớn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu hợp lý. Trong khi đó phần lớn diện tích đất canh tác trên địa bàn tỉnh địa hình phức tạp, đặc biệt đối với ruộng bậc thang khó khăn khi đưa các máy móc thiết bị vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống các dịch vụ nông nghiệp, hạ tầng cơ sở giao thông, thuỷ lợi và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Dừa cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-BNN-CB, ngày 8/9/2015 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế từng vùng và thị trường; lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con cụ thể; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Tập trung xây dựng quy hoạch, tổ chức cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; đầu tư hệ thống giao thông nội đồng và giao thông nông thôn... Căn cứ yêu cầu của sản xuất, xây dựng kế hoạch, lộ trình cung ứng số lượng, chủng loại máy phù hợp, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Triển khai rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành vùng sản xuất tập trung nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thành các hộ, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp nông nghiệp chuyên về dịch vụ cơ khí nông nghiệp, bao gồm các dịch vụ: Làm đất, thu hoạch, sấy, bảo quản nông sản hàng hoá, sửa chữa, cung cấp thiết bị, phụ tùng vật tư, tư vấn mua máy…
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn