ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN BẦU CỬ ĐBQH VÀ HĐND

Thứ hai - 22/03/2021 23:10
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN BẦU CỬ ĐBQH VÀ HĐND
BỘ TƯ PHÁP
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU
   

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT BẨU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
                                                              
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật) cần thiết được ban hành bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (sau đây gọi chung là Hiến pháp) tiếp tục ghi nhận và phát triển quyền bầu cử, ứng cử với tư cách là quyền chính trị cơ bản của công dân; do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này. Hiến pháp cũng đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định (Điều 117); do đó, cần thiết phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Luật;
Thứ hai, một số vấn đề mới liên quan đến công tác bầu cử quy định trong các đạo luật đã được Quốc hội thông qua như Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các luật về bầu cử hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;
Thứ ba, quy định của Luật bầu cử hiện hành trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng đại biểu chuyên trách, số dư trong từng đơn vị bầu cử, hồ sơ của người ứng cử, quy trình hiệp thương, việc vận động bầu cử…;
Thứ tư, nhiều nội dung, trình tự, thủ tục quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành có nhiều điểm tương tự nhau, cần thiết phải hợp nhất hai luật này để ban hành một văn bản Luật điều chỉnh chung.
Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật là cần thiết, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử được thuận tiện, đồng bộ và khoa học hơn; góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.
II-  QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
2. Phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử;
3. Đánh giá, tổng kết thực tiễn qua các cuộc bầu cử và việc thi hành các văn bản pháp luật về bầu cử; sửa đổi, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập. 4. Bảo đảm tính kế thừa, trên cơ sở hợp nhất hai văn bản luật hiện hành về bầu cử, luật hoá một số quy định của các văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động bầu cử đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn;
5. Bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn về kinh tế - xã hội của đất nước, có tham khảo chọn lọc kinh nghiệm về bầu cử của một số nước.
III- BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Luật gồm 10 chương với 98 điều, được xây dựng trên cơ sở cơ cấu, bố cục lại các quy định trong hai luật về bầu cử hiện hành, cụ thể như sau:
 
  1. Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về các nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử.
a. Về tuổi ứng cử và tuổi bầu cử: Chương này tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013 để thể hiện trong Điều 2 về tuổi ứng cử và tuổi bầu cử. Theo đó: “công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân” (Điều 2)
 b. Về tiêu chuẩn đại biểu: Tiêu chuẩn đại biểu có thay đổi căn bản là sẽ dẫn chiếu Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó:
c. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử: Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Quốc hội quyết định ngày bầu cử, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; tham gia giám sát việc bầu cử. Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Điều 4).
Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, do Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (Điều 5). Kinh phí tổ chức bầu cử do ngân sách nhà nước bảo đảm (Điều 6).
2. Chương II: Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu
Chương này gồm 5 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu. Cấu trúc của chương cơ bản kế thừa chương II của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và chương II của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
a. Về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu
- Đối với đại biểu Quốc hội: Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương. Trong đó, điều đáng lưu ý là phải bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số; có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
- Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
b. Về đơn vị bầu cử: khoản 4 Điều 10 quy định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá năm đại biểu.
3. Chương III: Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
Chương này gồm 17 điều chia làm 2 mục:
- Mục 1: Hội đồng bầu cử quốc gia (từ Điều 12 đến Điều 20) quy định về cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; mối quan hệ công tác của Hội đồng bầu cử quốc gia; bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia; thời điểm kết thúc nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Mục 2: Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (từ Điều 21 đến Điều 28) quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương như Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử); Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở đơn vị bầu cử tương ứng (sau đây gọi chung là Ban bầu cử); Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu.
a. Về hội đồng bầu cử quốc gia
Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia theo hướng cơ bản kế thừa của Hội đồng bầu cử Trung ương và bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể có 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn: nhiệm vụ, quyền hạn chung (Điều 14); nhiệm vụ, quyền hạn đối với bầu cử đại biểu Quốc hội (Điều 15), trong đó có nhiệm vụ ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử; lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 16). Ngoài ra, Chương này còn quy định về nguyên tắc hoạt động, của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, mối quan hệ công tác, bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động. Hội đồng bầu cử quốc gia hết nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa mới xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ quốc hội khóa mới (Điều 20).
b. Về các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử tập trung vào việc kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; nhận và xem xét hồ sơ của người ứng cử theo quy định; lập danh sách người ứng cử; nhận tài liệu và phiếu bầu cử và phân phối cho các Ban bầu cử; chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử; tổ chức việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có) (Điều 23).
Nhiệm vụ của Ban bầu cử tập trung vào việc kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu; nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử; nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kiểm phiếu bầu cử; làm biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử;  giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh; và tổ chức thực hiện việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có) (Điều 24).
Nhiệm vụ của các Tổ bầu cử tập trung vào công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu; bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu bầu từ Ban bầu cử; phát thẻ cử tri, phiếu bầu có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri; thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu; bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nội quy phòng bỏ phiếu; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử theo thẩm quyền; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu để gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định; tổ chức thực hiện việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có) (Điều 25).
Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương là hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành. Cơ quan có thẩm quyền thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử có quyền trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để giúp việc (Điều 26). Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử ( Điều 27).
Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Quốc hội sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước và công bố kết quả bầu cử Quốc hội. Ủy ban bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi Ủy ban bầu cử đã trình báo cáo tổng kết cuộc bầu cử và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá mới. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi Ủy ban bầu cử kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử và công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 28).
4. Chương IV: Danh sách cử tri
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 29 đến Điều 34) quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác.
Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú);
Luật mở rộng đối tượng Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc ( Điều 29).
5. Chương V: Ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Chương này gồm 27 điều (từ Điều 35 đến Điều 61) chia làm 4 mục:
- Mục 1 về ứng cử quy định về hồ sơ, thời gian và quy trình nộp hồ sơ ứng cử; Quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân);
- Mục 2 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng giới thiệu người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội quy định về Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất, thứ hai; Giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, ở địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội; Hội nghị cử tri; Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội);
- Mục 3 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; và mục về danh sách những người ứng cử quy định Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba; Thường trực Hội đồng nhân dân điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Hội nghị cử tri; Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Mục 4 về Danh sách những người ứng cử quy định về danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội; danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; việc niêm yết danh sách người ứng cử; việc xóa tên người ứng cử; việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử.
a. Về hồ sơ bầu cử
So với Luật bầu cử trước đây, hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có bổ sung thêm Bản kê khai tài sản giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của các ứng cử viên trước khi tham gia ứng cử nhằm minh bạch về tài sản, thu nhập của ứng cử viên đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng và có cơ sở để giải thích với cử tri khi cử tri có yêu cầu. Đồng thời, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có sửa đổi, bổ sung theo Luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm cả người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 37).
b. Về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội
Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội cơ bản ổn định, kế thừa Mục 2 chương V Luật bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây. Theo đó:
 Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức qua ba Hội nghị hiệp thương, ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức. Thời gian, nội dung tổ chức như sau:
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử; nội dung hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội ( Điều 38). Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri của đơn vị, trên cơ sở Hội nghị cử tri nơi công tác tổ chức hội nghị của ban lãnh đạo cơ quan nhận xét về người được giới thiệu biên bản nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của 2 hội nghị trên được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức (Điều 41)
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử; Nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý tổ chức hội nghị cử tri quy định tại Điều 45.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử; nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
c. Về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cơ bản ổn định, kế thừa Mục 2 chương V Luật bầu cử Hội đồng nhân dân trước đây. Theo đó,
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử; nội dung ở cấp tỉnh, cấp huyện thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn; ở cấp xã cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Việc giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được các cơ quan, đơn vị, chọn lựa các ứng cử viên và tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo tổ chức hội nghị Ban thường vụ, banc chấp hành công đoàn..... để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (điều 52).
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử; nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật này.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử; nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân(Điều 56).
d. Về danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Nội dung mới được bổ sung là các nội dung về số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội và xóa tên người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó:
- Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định (khoản 6, Điều 57).
- Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người; nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn đối với trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng (khoản 3, Điều 58).
- Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội (khoản1, Điều 60).
- Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 2, Điều 60).
- Về khiếu nại, tố cáo của công dân đối với người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Quy định rõ hơn về trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết (khoản 2, Điều 61).
6. Chương VI. Tuyên truyền, Vận động bầu cử
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 62 đến Điều 68) quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; nguyên tắc vận động bầu cử; thời gian tiến hành vận động bầu cử; những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử; các hình thức vận động bầu cử; về các hội nghị tiếp xúc cử tri; về việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
a. Về trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử
Luật quy định Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương và bổ sung trách nhiệm của Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 62).
b. Về nguyên tắc vận động bầu cử
 Luật bổ sung nguyên tắc người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thực hiện quyền vận động bầu cử ở đơn vị bầu cử đó (Điều 63).
c. Về thời gian tiến hành vận động bầu cử
Luật quy định rõ thời gian được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (Điều 64).
d. Về quy định gửi báo cáo kết quả Hội nghị tiếp xúc cử tri
Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi Ủy ban bầu cử cùng cấp, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên trực tiếp (Điều 66).
e. Về hình thức vận động bầu cử
Luật quy định cụ thể hai hình thức là vận động bầu cử thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 66 và điều 67 của Luật này.
7. Chương VII. Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu
Chương này gồm 4 điều (từ Điều 69 đến Điều 72) quy định về nguyên tắc bỏ phiếu; thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu; thời gian bỏ phiếu và việc bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu.
Theo đó, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tuy nhiên, tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.
 
  1. Chương VIII. Kết quả bầu cử
Chương này gồm 16 điều (từ Điều 73 đến Điều 88) chia thành 4 mục:
- Mục 1 về việc kiểm phiếu quy định rõ về trình tự, thành phần tham dự, việc chứng kiến mở hòm phiếu trước khi kiểm phiếu, biên bản kiểm phiếu, cách xác định phiếu bầu không hợp lệ, khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu.
- Mục 2 về kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử quy định về biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị, thời hạn phải gửi đến các cơ quan phụ trách bầu cử, nguyên tắc xác định người trúng cử.
- Mục 3 về việc bầu cử thêm, bầu cử lại quy định việc bầu cử thêm, bầu cử lại; Hủy kết quả bầu cử và quyết định bầu cử lại
- Mục 4 về việc tổng kết cuộc bầu cử quy định về biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử; Giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử; Xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
a. Về việc kiểm phiếu
Theo đó người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu (Điều 73). Biên bản kết quả kiểm phiếu được gửi đến Ban bầu cử tương ứng và Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chậm nhất là ba ngày sau ngày bầu cử (Điều 76).
b. Về kết quả bầu cử
Theo đó, người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ (Điều 78).
c. Về việc bầu cử thêm, bầu cử lại
Luật quy định trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Uỷ ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó. Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ hai phần ba số đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó. Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là mười lăm ngày sau cuộc bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử  tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá nửa số phiếu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai (Điều 79).
Về bầu cử lại, nếu ở đơn vị bầu cử, số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho Uỷ ban bầu cử. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử  ở tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là mười lăm ngày sau cuộc bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu vẫn chưa được quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai (Điều 80).
Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban bầu cử ở tỉnh huỷ bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó. Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là mười lăm ngày sau cuộc bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên (Điều 81). Việc bầu cử thêm hoặc bầu cử lại vẫn căn cứ vào danh sách cử tri đã lập trong cuộc bầu cử đầu tiên và được tiến hành theo các quy định của Luật này (Điều 82).
d. Về tổng kết cuộc bầu cử
Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; Ủy ban bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử (Điều 86). Mọi khiếu nại về kết quả bầu cử phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử chậm nhất là năm ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử trong thời hạn ba mươi ngày (đối với Hội đồng bầu cử quốc gia), 20 ngày (đối với Ủy ban bầu cử) kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng (Điều 87). Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên (Điều 88).
9. Chương IX: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 89 đến Điều 94) quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung; trình tự bầu cử và xác định kết quả trong bầu cử bổ sung và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung.
Theo đó, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 02 năm và thiếu trên mười phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ. Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện: Hội đồng nhân dân thiếu trên một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ; đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Ngày bầu cử bổ sung phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử (Điều 89).
Về tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung: Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử bổ sung để tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội. Hội đồng bầu cử bổ sung có từ năm đến bảy thành viên. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ban bầu cử bổ sung ở đơn vị bầu cử cần bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội. Đối với bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân, chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào thì Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó quyết định thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung để tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình và chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung, thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử cần bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân một Ban bầu cử bổ sung. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung, Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử bổ sung. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử bổ sung, Ủy ban bầu cử bổ sung, Ban bầu cử bổ sung, Tổ bầu cử bổ sung được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật này về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử (Điều 90).
Danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo quy định tại Chương IV của Luật này và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử bổ sung (Điều 91). Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 18 ngày trước ngày bầu cử bổ sung. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phải được hoàn thành chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử bổ sung. Danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được công bố chậm nhất là 10 ngày trước ngày bầu cử bổ sung (Điều 92).
Thể thức bỏ phiếu, trình tự bầu cử và xác định kết quả trong bầu cử bổ sung được áp dụng theo các quy định tại Chương VII và Chương VIII của Luật này (Điều 93). Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được áp dụng theo các quy định tương ứng của Luật này (Điều 94).
9. Chương X: Xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử  và điều khoản thi hành
Chương này gồm 4 điều (từ Điều 95 đến Điều 98) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử; về quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Theo đó, trong việc xử lý vi phạm thì người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bẩu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 95).
Về việc bầu cử ở các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức  đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì  Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường quy định tại các điều 4, 9 và 51 của Luật này trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có liên quan (Điều 96).
 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2015, ngay khi Luật này có hiệu lực, để phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào tháng 11/2015, Quốc hội sẽ tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia và quyết định ngày bầu cử.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Quốc hội: Ban hành Nghị quyết của Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
- Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
- Bộ Tài chính: Ban hành Thông tư của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Ban hành Thông tri về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
- Hội đồng bầu cử quốc gia: Ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 kèm theo Lịch trình chi tiết về bầu cử; phân công các thành viên Hội đồng bầu cử; thành lập các Tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử; quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu khác sử dụng trong công tác bầu cử.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,536
  • Tháng hiện tại67,981
  • Tổng lượt truy cập3,154,525
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây