Ông Đông cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân cuộc sống gia đình khó khăn. Sau khi học xong phổ thông, tôi đi học tại Trường cơ giới của Bộ Thủy lợi (nay là Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình), sau khi ra trường công tác trong ngành thủy lợi đến khi nghỉ hưu.
Ông Đông mong muốn phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông bởi nhận thấy lợi thế nhà gần sông nước, từ đó ông nghiên cứu, tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng trên sông. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập khá cho gia đình. Hiện ông có 3 lồng cá, mỗi lồng đạt 5 - 7 tạ cá/năm, thu về gần 100 triệu đồng.
Từ hiệu quả mô hình cá lồng của ông Đông, các hộ dân trong xóm học tập và làm theo. Các hộ được ông tận tình chỉ bảo những kiến thức tích lũy được từ các buổi đi tham quan học tập kinh nghiệm, các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng. Sau nhiều năm tâm huyết phát triển nuôi cá lồng, đến nay xóm Pác Đa có trên 40 lồng cá. Đặc biệt, năm 2019 mô hình nuôi cá trên địa bàn đi vào quy củ và thành lập Hợp tác xã cá lồng Pác Đa với 17 thành viên, ông Đông làm Giám đốc Hợp tác xã.
Ngoài mô hình nuôi cá lồng, ông Đông phát triển nhiều mô hình khác như: trồng 50 gốc cây thanh long, nuôi 20 con lợn, 5 con bò, 5 con trâu và trồng nhiều cây ăn quả, rau màu khác… Đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đạt khoảng 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu về trên 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đông còn tận tình giúp đỡ người dân trong xóm về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; đối với những hộ khó khăn ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ phát triển kinh tế, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn tin: Bao Cao Bằng điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn