Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: "Với hệ thống tổ chức của Hội từ T.Ư tới thôn, xóm ấp bản, trên 10.000 cán bộ chuyên trách cấp xã, trên 3.200 cán bộ cấp huyện, gần 2.000 cán bộ Hội cấp tỉnh và T.Ư, đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân đang sinh hoạt tại hơn 95.000 chi hội, Hội NDVN cam kết cùng ngành NNPTNT phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình phối hợp này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về phát triển một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mục tiêu Đại hội XIII đã đề ra".
Theo Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Từ nhiều năm nay, nông nghiệp nước ta đã được đánh giá là "Trụ đỡ của nền kinh tế", nhất là khi đất nước có những biến động xã hội, nông nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của đất nước.
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không đi đến di cư quy mô lớn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh".
Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: "Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Nông dân là chủ thể, là trung tâm; nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực".
Tiếp cận những quan điểm đó để thấy rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam – với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam rất cần thiết phải tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong giai đoạn mới.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Hội NDVN hướng đến mục tiêu tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
"Theo Chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Hội NDVN sẽ có 5 chương trình phối hợp lớn giữa hai bên" - ông Thịnh nói.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh Sơn La, Hải Dương, An Giang; lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi Bộ NNPTNT đã phát biểu, trình bày tham luận.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều đánh giá cao và nhất trí 5 nội dung chương trình phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ NNPTNT về việc về "Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025".
Từ điểm cầu An Giang, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình phối hợp này được triển khai, sẽ tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa tạo sự thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đạt đến sự đồng thuận cao của toàn xã hội về nhận thức và hành động; sẽ chuyển từ nền nông nghiệp chất lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm và bền vững".
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh hai đơn vị cần nâng cao năng lực của nông dân để họ tự đứng lên đôi chân của mình. Mọi sự hỗ trợ dành cho nông nghiệp nông thôn đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi, mọi chiến lược của ngành nông nghiệp sẽ không thành công khi chúng ta không hiểu được nông dân đang nghĩ gì.
Do vậy, 5 chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam nên bắt đầu từ việc nâng cao năng lực của nông dân, để họ tự đứng lên đôi chân của mình. Nhiệm vụ của các hội đoàn thể, ngành chức năng là cung cấp các kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ nông dân, từ đó bà con tự quyết định trên mỗi mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
"5 nội dung hợp tác hôm nay sẽ là 5 nội dung về cuộc cách mạng trong nông nghiệp, từ đó hình thành một thế hệ nông dân mới, biết liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, thay đổi tư duy để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhưng muốn đạt được mục tiêu đó, tôi đề nghị các cán bộ ngành nông nghiệp, Hội Nông dân hãy nói với nông dân bằng chính ngôn ngữ của họ để họ dễ hiểu, dễ tiếp thu và thay đổi"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nguồn tin: Báo Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn