Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng hỗ trợ thành lập, quản lý Tổ hợp tác góp phần phát triển kinh tế tập thể, đa dạng sinh kế gắn với các chuỗi giá trị tại địa phương

Thứ sáu - 17/01/2025 03:43
Hội Nông dân tỉnh tham gia thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng từ năm 2017 đến năm 2024. Dự án được triển khai tại 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình và Thạch An với bốn hợp phần chính, trong đó Hội Nông dân tỉnh được giao thực hiện các hoạt động thuộc Tiểu hợp phần 2.1 “Các nhóm đồng sở thích để thích ứng với biến đổi khí hậu” với mục tiêu thành lập và phát triển 800 nhóm đồng sở thích (hiện nay gọi là Tổ hợp tác), giúp cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về việc lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về việc lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã.
      Để hỗ trợ thành lập, quản lý Tổ hợp tác Hội Nông dân tỉnh đã đã thực hiện các hoạt động:
     Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển khai, vận động hội viên tham gia các tổ nhóm (Tổ hợp tác) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua trang thông tin điện tử, Fanpage của Hội Nông dân tỉnh, qua các Hội nghị, các cuộc họp, sinh hoạt các chi, tổ Hội từ đó hội viên nhận thức được vai trò, lợi ích và định hướng của dự án về sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể đồng thời tích cực tham gia các tổ nhóm tại địa phương.
     Thứ hai, tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai dự án. Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp với cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, thành lập; phối hợp với Ban Điều hành cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã xác định các địa phương khó khăn trong việc thành lập các THT, qua đó có phương án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đồng thời đề xuất với chính quyền cấp huyện, cấp xã có những chỉ đạo kịp thời trong việc thực hiện các chỉ tiêu về thành lập, quản lý các Tổ hợp tác hàng năm.
     Thứ ba, thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực về thành lập, quản lý tổ nhóm cho cán bộ Hội Nông dân các cấp và lãnh đạo các tổ nhóm. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 09 lớp tập huấn về đào tạo giảng viên nguồn cho 305 học viên là các cán bộ phòng, ban, ngành, cán bộ Hội Nông dân huyện, xã, các thành viên tổ nhóm của 3 huyện và 30 xã trong vùng dự án để nâng cao năng lực, kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thành lập nhóm, hỗ trợ các nhóm tiếp cận và nhận được nguồn quỹ do dự án tài trợ để nâng nâng cao hiệu quả hoạt động tổ nhóm, giúp các tổ nhóm ngày càng phát triển. Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực về vận hành, quản lý các THT; 07 lớp tập huấn nâng cao năng lực về duy trì, nhân rộng Tổ hợp tác quản lý quỹ đồng tài trợ cạnh tranh (CSA) cho cán bộ các cấp và lãnh đạo các THT điểm thuộc dự án với 320 đại biểu tham dự, qua đó giúp cho việc quản lý, theo dõi hoạt động của các THT được triển khai một cách thuận lợi và hiệu quả. Tổ chức 05 lớp tập huấn về đào tạo giảng viên nông dân thực hiện mô hình “Nông dân dạy Nông dân”. Hội Nông dân các huyện tổ chức được 90 Hội nghị để nông dân điển hình tập huấn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho các THT.
     Thứ tư, làm tốt công tác đánh giá, phân loại hoạt động của các THT. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ban Điều phối dự án CSSP tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội Nông dân các cấp cho 135 lượt học viên là lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện, xã, lãnh đạo các tổ nhóm về biểu mẫu báo cáo theo hệ thống Hội Nông dân; phương pháp khảo sát, đánh giá và phân loại các THT; phương pháp khảo sát và đánh giá phương án sản xuất kinh doanh của các THT Phối hợp với Ban Điều phối dự án CSSP tỉnh tổ chức đánh giá, phân loại 644 THT đã được nhận tài trợ CSA; khảo sát đánh giá cuối kỳ 90 phương án sản xuất kinh doanh; đề xuất các biện pháp hỗ trợ phù hợp và phối hợp lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và của dự án để thúc đẩy các tổ nhóm hoạt động hiệu quả hơn.
Tập huấn nâng cao năng lực cho các Tổ hợp tác.

     Thứ năm, tổ chức học tập kinh nghiệm và lồng ghép các hoạt động của Hội Nông dân hỗ trợ nguồn lực, tạo nguồn vốn cho các tổ nhóm tham gia dự án. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 02 đoàn học tập kinh nghiệm về hỗ trợ thành lập và vận hành nhóm sở thích; triển khai thực hiện quỹ Đồng tài trợ cạnh tranh; thăm quan học tập một số mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Quảng Bình và Hà Giang với 40 thành viên tham; tổ chức Đoàn đi nghiên cứu học tập và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động quản lý các tổ hợp tác và công tác quản lý các Quỹ hỗ trợ từ Nhà tài trợ IFAD tại tỉnh Bến Tre với 21 thành viên tham gia.
     Đến nay, đã vận động thành lập được 678 Tổ hợp tác (Các nhóm đồng sở thích chuyển thành tổ hợp tác theo Quyết định số 1920/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh), trong đó có 644 Tổ hợp tác đã được dự án tài trợ thông qua Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh với tổng số tiền đã tài trợ là 43,5 tỷ đồng.
     Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên có những thuận lợi trong việc giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng nguồn vốn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Các thành viên cùng nhau chung mua vật tư để được rẻ hơn, cùng tiến hành công tác bảo vệ thực vật trên cùng cánh đồng, công tác thú y trong một khu vực dân cư hoặc khu chăn nuôi, xây dựng, tưới tiêu… giá thành sản phẩm làm ra chi phí giảm khoảng 15-20%, giá thành khi bán ra sẽ cao hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các THT xuất phát từ nhu cầu thực tế của cộng đồng, thực hiện các mô hình “Trồng cây Thạch đen” tại xã Đức Thông, huyện Thạch An (diện tích 3,4 ha); dự án “Phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm quả Thanh long” tại xã Vũ Minh, Nguyên Bình; dự án “Chăn nuôi gà thịt sinh học hỗ trợ THT sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” tại xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình; mô hình trồng cây chanh leo tại Hội Nông dân tỉnh... gắn với các chuỗi giá trị tại địa phương, hiện tại các THT hoạt động theo các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương trong đó chuỗi chăn nuôi lợn có 437 THT (chăn nuôi trâu có 114 THT, chăn nuôi bò có 113 THT...), chuỗi trồng thạch có 78 THT, chuỗi trồng lạc có 55 THT, chuỗi trồng gừng có 37 THT, chuỗi trồng trúc có 26 THT và một số chuỗi khác.
Sản phẩm của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Hội Nông dân tỉnh còn một số khó khăn hạn chế như: Biên chế cán bộ thực hiện dự án CSSP của các cấp Hội ít nên việc hỗ trợ các tổ nhóm chưa sát sao, chưa thường xuyên. Cán bộ Hội cấp xã thường xuyên có sự thay đổi, chưa tiếp cận với dự án nên còn khó khăn trong triển khai thực hiện; Trình độ của các thành viên quản lý ở một số tổ nhóm còn hạn chế nên việc tiếp thu các kiến thức đã được tập huấn vào lập phương án sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành tổ nhóm. Số lượng các THT có ký kết hợp đồng với hộ kinh doanh, doanh nghiệp, Hợp tác xã còn ít (chỉ có khoảng 50% THT có liên kết với người mua). Các Tổ hợp tác phần lớn chưa đầu tư vào nâng cấp sản xuất hàng hóa, sơ chế, chế biến sản phẩm cung cấp ra thị trường. Hoạt động mua chung, bán chung, liên kết với các đơn vị cung ứng giống, vật tư về nông nghiệp còn hạn chế.
     Trong thời gian tới, để hoạt động của các Tổ hợp tác có hiệu quả cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
     Thứ nhất, các cấp Hội tiếp tục các hoạt động theo dõi, quản lý các THT hoạt động hiệu quả sau khi dự án kết thúc, nhất là trong việc quản lý nguồn vốn Quỹ CSA theo quy chế quản lý Quỹ CSA đã được phê duyệt theo Quyết định số 1920/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các Tổ hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất và liên kết với các tác nhân tiêu thụ sản phẩm.
     Thứ hai, hỗ trợ các THT mở rộng sản xuất, tập trung vào các nhóm sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường bằng các hợp đồng nông nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ duy trì, nâng cao hoạt động các THT hiện có. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã với các THT trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
     Thứ ba, tuyên truyền giới thiệu hình ảnh, các hoạt động cụ thể, các kết quả đạt được của dự án CSSP đến cán bộ, hội viên nông dân. Hỗ trợ hội viên các THT giới thiệu và tiêu thụ các loại hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp do nhóm sản xuất.
     Thứ tư, phối hợp với các đơn vị được phân công thực hiện Tiểu hợp phần 2.1 theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược kết thúc dự án “Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ” tỉnh Cao Bằng có những đề xuất, kiến nghị để tỉnh lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình Mục tiêu quốc gia thực hiện dự án liên kết theo chui giá trị ưu tiên triển khai đối với các Tổ hợp tác đã được dự án CSSP hỗ trợ thành lập.
     Năm là, khơi dậy tinh thần tự lực, tự chủ, tự vươn lên của THT. Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch của thành viên trong THT trên nhiều lĩnh vực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực, địa phương.
     Như vậy, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã làm tốt công tác hỗ trợ Tổ hợp tác để nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của Tổ hợp tác, tích cực chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đặc biệt là chú trọng tới hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của nông dân từ đó tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các Tổ hợp tác duy trì và phát triển góp phần phát triển kinh tế tập thể đa dạng sinh kế gắn với các chuỗi giá trị tại địa phương.

Tác giả bài viết: ThS. Đào Công Dân, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,507
  • Tháng hiện tại72,240
  • Tổng lượt truy cập3,437,835
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây