Chuyện Bí thư Chi bộ xóm dân tộc Dao xóa nghèo trên đỉnh non cao

Thứ sáu - 05/11/2021 04:19
Chuyện Bí thư Chi bộ xóm dân tộc Dao xóa nghèo trên đỉnh non cao

“Các anh đi hết con đường bê tông chừng 8 cây số ngược lên đến đỉnh núi kia là đến Phiêng Pẻn, giờ đường đi dễ lắm. Nhà ông Tẩn Dấu Quẩy ở ngay đầu xóm. Ai chứ ông Quẩy thì mọi người ở xã Lý Bôn đều biết. Ông ấy làm kinh tế giỏi lại là Bí thư Chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín trong đồng bào dân tộc của xóm Phiêng Pẻn, tận tuỵ với công việc, tận tâm giúp đỡ nhiều gia đình trong xóm thoát nghèo, được mọi người rất mực quý trọng” - chúng tôi được một người dân ở trung tâm xã Lý Bôn (Bảo Lâm) nhiệt tình chỉ dẫn.
Từ đầu cầu Lý Bôn, chiếc ô tô chở chúng tôi leo ngược dốc núi, mà độ cao dốc núi tăng nhanh theo chiều dài con đường bê tông còn sáng màu xi măng lên đỉnh non cao để đến xóm Phiêng Pẻn. Ấn tượng của tôi khi gặp ông Quẩy là một người hoạt bát, có gương mặt đôn hậu, chất phác với cách nói chuyện cởi mở, chân tình, nhưng quyết đoán, tự tin của người có tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn, tạo cho người mới tiếp xúc có cảm nhận thân thiện, gần gũi và dễ mến.Làm giàu từ cây hồi

Ngồi trong căn nhà gỗ 7 gian thoáng đãng của ông Quẩy, tôi lặng lẽ ngắm nhìn những tấm bằng khen, giấy khen được treo trang trọng và các tiện nghi sinh hoạt của gia đình được sắp đặt gọn gàng, cùng gian hàng tạp hóa bày nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong xóm, mà tự vấn, chắc tất cả đều từ cây hồi mà có.

Nâng ấm trà vừa pha tỏa hương mời khách, rồi như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Quẩy nói: “Cơ ngơi này đều từ cây hồi cả đấy. Nhưng có được cơ ngơi hôm nay với một người mà vốn liếng ban đầu gần như bằng không như mình cũng gian nan lắm”. Rồi bằng giọng chất phác, ông Quẩy kể câu chuyện xóa nghèo của mình.

Ông Tẩn Dấu Quẩy sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở xã Cô Ba (Bảo Lạc), năm ông 11 tuổi thì bố mất, một mình mẹ bươn chải làm thuê nuôi các con, rồi cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn đưa đẩy 5 mẹ con ông phiêu dạt đến Phiêng Pẻn. Phiêng Pẻn là xóm vùng núi cao địa hình cách trở, những năm trước cuộc sống của người dân chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa trồng trên sườn dốc núi chẳng đủ ăn. Những năm thất bát, mất mùa, 99% hộ nghèo của xóm lại càng sống quay quắt, khốn khó trong nghèo đói.

“Đến năm 19 tuổi, mình lấy vợ, mẹ cho ra ở riêng. Nhưng nhà nghèo lắm, vợ chồng mình chỉ được mẹ cho hơn chục bắp ngô già làm giống, cùng con gà mái với 3 - 4 con gà con làm kế sinh nhai. Cuộc sống của vợ chồng con cái mình dù “một nắng, hai sương” trên nương ngô, nhưng năm nào cũng thiếu ăn” - ông Quẩy bồi hồi nhớ lại.  

Như nhiều người trong xóm, để kiếm sống qua ngày, ông Quẩy lăn lộn làm nhiều công việc từ chở gỗ thuê, thịt lợn đem vào tận bãi khai thác vàng bán. Công việc vất vả, lại nhiều rủi ro, đồng tiền kiếm được trừ mọi chi phí chẳng còn bao nhiêu, gia cảnh vẫn không thoát khỏi nghèo túng. Không cam chịu phận nghèo, ông Quẩy rời bản, xuống núi đi nhiều nơi để tìm hiểu, học hỏi cách làm kinh tế.

Một ngày cuối năm 2002, trong chuyến sang bên kia biên giới, ông Quẩy thấy những cánh rừng được phủ màu xanh mát mắt của cây hồi, được nghe nhiều người nói chuyện chưng cất tinh dầu hồi bán được giá cao. Trên đường về, ông suy tính, đồi núi, đất đai, khí hậu các xóm bản bên kia biên giới cũng giống với Phiêng Pản quê mình. Họ trồng được hồi để chưng cất tinh dầu đem bán cho thu nhập cao, sao mình không làm như họ…

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng, ông Quẩy quyết định lựa lời nói ý định của mình với vợ. Dứt lời, vợ mình phản đối gay gắt. “Thấy bà ấy phản đối, lại nhiều người dân trong xóm bàn tán không tin là mình làm được, mình cũng hoang mang. Nhưng ý chí quyết tâm cho mình niềm tin thực hiện ý định mà mình ấp ủ” - ông Quẩy tâm sự.

Bỏ qua những lời can ngăn, ông Quẩy đem 1,3 triệu đồng vợ chồng tích góp được sang Trung Quốc mua giống cây hồi về trồng trên diện tích 1,5 ha. Rồi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi, cách chưng cất tinh dầu và vay mượn hơn 20 triệu đồng mua bộ chưng cất tinh dầu.

Sau mấy năm dồn toàn tâm, toàn lực, cùng niềm say mê vào việc chăm sóc rừng hồi, năm 2009, rừng hồi cho thu hoạch vụ đầu, ông Quẩy chưng cất được 377 kg tinh dầu, bán được 61 triệu đồng. Vụ thu hoạch năm 2010, ông chưng cất được 254 kg tinh dầu, thu hơn 110 triệu đồng, do tinh dầu bán được giá. “Thấy trồng hồi cho thu nhập cao, cả nhà mình vui lắm, thế là cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống đã được định hình. Đến nay, gia đình mình mở rộng trồng gần 90.000 cây hồi trên diện tích khoảng 19 ha. Mỗi vụ thu hoạch, chưng cất được hơn 450 kg tinh dầu hồi, thu nhập trung bình từ 220 - 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, trồng 6.200 cây sa mộc sắp được khai thác, 150 cây sưa 7 năm tuổi và 3.000 cây quế” - ông Tẩn Dấu Quẩy phấn chấn cho biết.

Người lãnh đạo xóm tận tâm với dân bản

Là người gắn bó với xóm làng, với bà con dân bản, bản thân từng trải qua nhiều năm tháng sống cơ cực trong cảnh nghèo đói, ông Tẩn Dấu Quẩy thấu hiểu nỗi khổ đói nghèo của bà con. Ông Quẩy bảo: “Là Bí thư Chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín trong đồng bào dân tộc của xóm, mình thấu hiểu cuộc sống nghèo đói của bà con, nên mình làm được gì cho bà con trong xóm thoát được nghèo thì mình cố gắng làm hết sức”.   

Từ hiệu quả trồng hồi và chưng cất tinh dầu của gia đình, ông Quẩy kiên trì tuyên truyền các hộ dân trong xóm “xóa bỏ tư duy kinh tế cố hữu ăn sâu trong nhận thức từ bao đời nay của bà con là hạt lúa, bắp ngô”, để chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao để thoát nghèo. Trong các cuộc họp chi bộ, họp xóm, ông Quẩy chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây hồi. Ông đến từng gia đình tận tình hướng dẫn kỹ thuật; nhiều hộ khó khăn về vốn không có điều kiện đầu tư được ông giúp đỡ hỗ trợ cây giống.

Bà Tẩn San Mẩy, một trong những người trong xóm được ông Quẩy giúp đỡ cây giống xúc động nói: Được Bí thư Chi bộ, trưởng xóm Quẩy giúp đỡ cây giống và tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây hồi, gia đình mình trồng được 3 ha cây hồi, mỗi năm bán được 40 - 50 triệu đồng tinh dầu hồi. Cuộc sống gia đình đã ổn định.

Bền bỉ tuyên truyền, vận động, lại thấy lãnh đạo xóm Tẩn Dấu Quẩy nói được, làm được, bà con xóm bản cũng hiểu, tin tưởng bảo nhau làm theo. Việc chuyển đổi trồng cây nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp ở Phiêng Pẻn được các hộ hưởng ứng, nhiều diện tích nương rẫy trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, nhiều đồi núi hoang trống không có giá trị kinh tế được phủ một màu xanh của hồi, quế, sa mộc... Đến nay, xóm Phiêng Pẻn có 61/62 hộ tham gia trồng hàng trăm héc ta cây hồi, mỗi năm cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng; nhiều hộ trồng hơn 10 ha, thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm. “Xóm còn 1 hộ chưa thực hiện chuyển đổi cây trồng do thiếu nhân lực đang được Chi bộ và xóm bàn cách để giúp đỡ, hỗ trợ” - ông Quẩy trăn trở cho biết.

Hiệu quả từ trồng hồi, chưng cất tinh dầu của gia đình ông Quẩy và các hộ ở xóm Phiêng Pẻn đã và đang được người dân nhiều xóm, xã trong huyện Bảo Lâm đến học hỏi, làm theo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Phát huy vai trò người đứng đầu chi bộ, lãnh đạo xóm, người uy tín trong đồng bào dân tộc xóm Phiêng Pẻn, ông Quẩy tích cực tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt đoàn kết dân tộc. Ông vận động các gia đình hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hiến đất làm đường, làm trường học…, xây dựng xóm bản thêm khởi sắc.  

“Những việc làm vì dân của ông Tẩn Dấu Quẩy thật đáng trân quý. Ông không chỉ tận tuỵ với công việc được giao, mà giàu lòng nhân ái, tận tâm giúp đỡ nhiều hộ trong xóm vươn lên thoát nghèo. Ông Quẩy là tấm gương sáng để người dân trong xã chúng tôi học tập, làm theo” - Đồng chí Nông Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Lý Bôn nói về người Bí thư Chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín trong đồng bào dân tộc của xóm Phiêng Pẻn bằng niềm tự hào và trân trọng.             

Nguồn tin: Quốc Sơn - báo cao bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay8,036
  • Tháng hiện tại139,099
  • Tổng lượt truy cập3,320,261
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây