Nền nhiệt độ trong thời điểm xuống giống rau màu là không ưu tiên cho các loại hạt nảy mầm và phát triển cây con.
Để lượng cây con không bị thất thoát nhiều trên ruộng SX, nhất là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, hạt giống có giá đắt như cà chua, ớt, các loại dưa, bí, su hào… tốt nhất nên gieo cây con trong bầu hoặc luống vườn ươm có che phủ ni lông (ưu tiên nơi thoáng, dại nắng để cây không bị cớm).
Với các cây gieo hạt trực tiếp nên ngâm ủ hạt nứt nanh rồi mới đem gieo và đảm bảo hạt sau gieo được giữ ẩm thường xuyên.
Việc ngâm ủ hạt giống trong thời tiết giá rét cần tác động tích cực các biện pháp như: Ngâm hạt trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh), rửa sạch nhớt và nước chua, ủ hạt nơi ấm áp (trong thúng cỏ khô có bóng điện thắp sáng hoặc trong lòng con gà mái đang ấp trứng hay vùi dưới lòng đất…).
Cây con trong thời tiết vụ xuân thường chìm trong mưa phùn kéo dài nên hay bị sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều như sâu xám cắn khuyết cây con, sâu xanh ăn thân, lá, bệnh lở cổ rễ (chết thắt thân), bệnh sương mai làm rạc thân, lá…
Do đó, trước và sau khi trồng phải có các biện pháp xử lý đất, soi đèn bắt sâu, bổ sung nấm đối kháng Trichodecma vào đất trồng và tưới vào vùng rễ cây trong vụ, sử dụng thuốc hóa học phòng bệnh cho cây khi có mưa kéo dài cũng như giữ độ ẩm luống rau màu ở mức vừa phải…
Lưu ý:
- Nền nhiệt đầu vụ không thuận lợi cho dinh dưỡng phân giải nên cây thường có xu thế “cây nằm trên phân mà không lấy được dinh dưỡng”. Do đó, trước khi gieo trồng cần phải bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng bón lót các loại phân dễ tiêu như DAP + kali hoặc NPK giàu lân và kali kết hợp với phân bón siêu vi lượng (1 - 2 kg/sào).
Rau màu vụ xuân có nhu cầu về NPK nhiều để phát triển và tạo sinh khối. Tốt nhất nên sử dụng các loại phân dễ tiêu ở thời kỳ cây còn non. Ưu tiên sử dụng phân kali trắng (K2SO4) cho các cây rau màu có giá trị kinh tế cao như cà chua, ớt, các loại dưa… vì đây là loại phân rất tốt cho cây lấy quả, củ.
Lượng phân bón cần căn cứ vào các chân đất khác nhau, các ruộng trước đó có trồng màu hay không, đặc điểm của cây trồng hiện tại hay điều kiện thời tiết… mà cân đối sao cho phù hợp. Ví dụ nếu ruộng đã trồng cây lấy củ ở vụ trước thì nên bón nhiều kali và ít lân hơn các ruộng cày ải không trồng màu vụ đông…
- Giai đoạn cây non trong thời tiết mưa phùn ẩm ướt, ít ánh nắng ngoài việc phòng bệnh bằng thuốc người trồng cần tăng sức đề kháng cho cây bằng những đợt phun phân qua lá (kali trắng + trung vi lượng giàu canxi) để giúp cây non được cứng cáp và tổng hợp được diệp lục tốt hơn.
- Việc bấm ngọn để cây đâm nhánh hoặc xới xáo cho cây ra rễ nhanh hơn cần tiến hành vào những ngày khô ráo. Không nên làm việc này vào những ngày mưa phùn ẩm ướt vết xước trên cây sẽ làm cây dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời vun gốc cây hoặc san phẳng luống sao cho nước không đọng nơi gốc.
- Tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi hay phân đang ủ dang dở để bón lót. Vì sử dụng như vậy kết hợp với thời tiết lạnh, ẩm cây rau rất hay bị bệnh héo xanh vi khuẩn gây chết rũ. Nếu có, nên ủ phân chuồng với NPK cho mục rồi mới lót cho rau màu. Khi bón thúc không nên bón đạm urê riêng rẽ sẽ dễ làm cây bị bệnh do non yếu.
- Vụ xuân thời kỳ cây con thường bị kéo dài do rét, khó phát triển. Nếu xảy ra hiện tượng cây non bị vàng lá nghẹt rễ cần khẩn trương xới xáo đất và tưới bổ sung các loại phân chuyên dùng giàu lân dễ tiêu (siêu ra rễ) thúc cho cây. Đồng thời sử dụng các loại phân bón lá tổng hợp (NPK + trung vi lượng) phun cho cây 1 - 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày.
- Việc bón thúc có thể tiến hành bằng nhiều cách: Hòa nước tưới hoặc vùi đất nhưng lưu ý không được tưới hoặc bón sát gốc sẽ dễ làm chết cây. Nên bón vào vùng đất nơi tập trung đầu mút của rễ cây. Lượng phân bón cần cân đối và đảm bảo hợp lý để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi.