NHỌC NHẰN TUỔI THƠ
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em, anh Hậu cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi vừa tròn 3 tuổi, sau một trận ốm nặng anh bị khiếm thị, gia đình đã bán hết tài sản trong nhà đưa anh đi chữa trị nhiều nơi vẫn không khỏi. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi bố anh bỏ lại 4 mẹ con anh vào Nam sinh sống, bao nhiêu vất vả dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại tật nguyền nên đến tuổi đi học anh Hậu vẫn chưa được đến trường.
Suốt một khoảng thời gian dài, anh suy nghĩ tiêu cực, tự ti, mặc cảm, sợ mọi người nhìn thấy và cười mình nên cứ nghe tiếng người là anh trốn vào trong nhà, nhưng nghĩ đến mẹ, gia đình anh cố gắng vượt qua mặc cảm, nỗ lực tự chăm lo cho bản thân. Vì hoàn cảnh nên chị và mẹ anh phải đi làm xa, anh ở nhà tự lo cho mình và chăm sóc em gái. Trong ngôi nhà tranh vách nứa, 2 anh em nương tựa lẫn nhau.
Bị hỏng mắt nhưng anh có năng khiếu về âm nhạc. Mỗi lần nghe hàng xóm thổi sáo, anh rất thích và xin sang học cùng. Với năng khiếu cảm âm tốt, học được vài buổi anh có thể thổi được các bài cơ bản, sau đó anh tự tập thêm ở nhà. Ngoài ra, anh tự mày mò học thêm guitar. Âm nhạc như một liều thuốc chữa lành tâm hồn anh, nhờ âm nhạc mà anh trở nên lạc quan, vui vẻ hơn.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Nhờ hàng xóm giúp đỡ, năm 15 tuổi, anh tham gia Hội Người mù huyện Hòa An và học nghề làm đũa, làm tăm,… Vượt qua mặc cảm, tự ti, anh Hậu hòa nhập nhanh với môi trường mới. Sau một năm học nghề, anh được cử tham gia các khóa đào tạo dành cho người mù, người khiếm thị, như: lớp chữ nổi (chữ Braille), đào tạo giáo viên dạy chữ nổi cho người mù, lớp hạt nhân văn nghệ, học thanh nhạc, học đàn, học văn hóa, quản lý cán bộ, tin học,… tại Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội. Cũng từ đó, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ, học hỏi những tấm gương người mù để phấn đấu vượt lên chính mình, trở thành người đi đầu trong các phong trào của Hội.
Anh Hậu tâm sự: Được các cấp Hội quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi rèn luyện, học chữ, học nghề nên tôi tự tin hơn, không còn mặc cảm về bản thân. Kết thúc khóa học chữ nổi, tôi có thể đọc sách, báo, tự viết tên của mình, sử dụng điện thoại có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị…, đó là điều mà trước kia tôi không dám mơ ước.
Năm 2004, anh trở về quê làm giáo viên dạy chữ nổi tại Hội Người mù huyện Hòa An. Mỗi lần lên lớp, anh cố gắng truyền đạt kiến thức được học cho những người cùng cảnh ngộ.
Năm 2010, anh công tác tại Hội Người mù tỉnh. Sau nhiều năm tích cực tham gia hoạt động Hội, năm 2018 anh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh. Trên cương vị mới, anh luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, khuyến khích người khiếm thị tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng. Ngoài tham gia công tác Hội, anh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, mang lời ca, tiếng hát đóng góp cho sự phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh và gặt hái nhiều thành tích cao.
Với sự phấn đấu không ngừng và những đóng góp cho công tác Hội Người mù, anh vinh dự được các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Nguồn tin: Bao Cao Bằng: Hà Thu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn