Bên cạnh công tác dạy nghề, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm tổ chức 1.210 điểm trình diễn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp các ngành liên quan tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 3.000 hội viên; cung ứng trên 8.000 tấn phân bón các loại… Từ hoạt động DN&HTND, nông dân được nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp và vận dụng thực tế đạt hiệu quả, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai DN&HTND đang gặp khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Truân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm DN&HTND, khó khăn lớn nhất là về kinh phí. Theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Hội Nông dân chỉ được cấp một phần kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề, việc phân bổ kinh phí, ký hợp đồng dạy nghề còn chậm. Do Trung ương chưa phân bổ kinh phí từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DN&HTND chưa phối hợp với các địa phương tổ chức chiêu sinh lớp dạy nghề cho nông dân.
Hiện, Trung tâm DN&HTND chưa có địa điểm để tổ chức dạy và học nghề nên phải mượn địa điểm; không có giáo viên chính thức giảng dạy, khi có điều kiện mở lớp, Trung tâm mời các giáo viên từ các trường, trung tâm khác đến giảng dạy hợp đồng theo khóa học nên ảnh hưởng tới chất lượng dạy nghề. Ngoài ra, Trung tâm chỉ dạy nghề lao động nông thôn trình độ sơ cấp, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp có thời gian từ 3 tháng trở xuống, không đào tạo những nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động, dẫn đến tỷ lệ người lao động tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn tại Trung tâm rất thấp. Tổ chức bộ máy của Trung tâm DN&HTND còn kiêm nhiệm; hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân gặp phải sự cạnh tranh của các đại lý, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các hội, đoàn thể trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân chưa đồng bộ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Tâm cho biết: Nguyên nhân nông dân không “mặn mà” học nghề là do nhận thức của nhiều người về tầm quan trọng của công tác dạy nghề là không cần thiết, bên cạnh đó, trên thực tế một số người là lao động chính trong gia đình nên thời gian học 3 tháng ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của gia đình.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm, Trung ương, tỉnh cần sớm phân bổ kinh phí để Trung tâm DN&HTND tổ chức chiêu sinh và mở lớp dạy nghề cho nông dân. Các hội, đoàn thể, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp nghề đúng theo nhu cầu của họ, từ đó, thu hút học viên học nghề để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn