Quỹ “HTND” tỉnh được thành lập năm 1996 và chính thức đi vào hoạt động năm 1997. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Quỹ “HTND” toàn tỉnh quản lý trên 67,1 tỷ đồng. Trong đó, nhận ủy thác từ Quỹ “HTND” Trung ương Hội Nông dân (HND) 8,2 tỷ đồng; nguồn cấp tỉnh vận động hơn 12,8 tỷ đồng; nguồn vận động cấp huyện và cơ sở trên 46 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ, Hội HND các cấp tích cực triển khai, xây dựng nhiều mô hình, dự án vay vốn gắn với phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ... Hiện, nguồn Trung ương HND đang triển khai 11 dự án/155 hộ vay 8,2 tỷ đồng, nguồn HND tỉnh thực hiện 37 dự án/366 hộ vay 12,7 tỷ đồng. Nguồn HND huyện thực hiện 372 dự án/2.191 hộ vay trên 42 tỷ đồng. Qua đánh giá, HND các cấp làm tốt công tác khảo sát địa bàn, hướng dẫn lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh, thẩm định và kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân. Các dự án thực hiện đúng quy trình, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên, vốn vay được đầu tư đúng hướng, đúng đối tượng.
Tại huyện Quảng Hòa, đến nay, Quỹ “HTND” tăng lên 8,4 tỷ đồng với 291 hộ vay. Chủ tịch HND huyện La Thị Phương cho biết: Hội bám sát định hướng của huyện, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi theo hướng ổn định bền vững; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất và giá trị, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại; khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn và tăng đàn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế; làm tốt công tác dự tính, dự báo về thị trường… Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ủng hộ phát triển nguồn vốn Quỹ “HTND”, chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ “HTND” thực hiện tốt việc quản lý, điều hành hoạt động quỹ đảm bảo hiệu quả, thiết thực, xây dựng nhiều mô hình liên kết, hợp tác, tổ hợp tác, các tổ hội nghề nghiệp; đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, HND huyện Trùng Khánh triển khai hiệu quả nhiều mô hình từ Quỹ “HTND”. Tiêu biểu là mô hình phát triển chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm an toàn sinh học theo chuỗi giá trị tại xã Ngọc Khê với quy mô 2.000 con/10 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Mục tiêu của mô hình là phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm của người dân để chăn nuôi vịt cỏ đáp ứng nhu cầu thị trường. Giúp hội viên, nông dân nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Hoàng Văn Biện, xóm Pác Thay, xã Ngọc Khê chia sẻ: Tham gia mô hình, tôi có điều kiện tăng đàn vịt lên trên 500 con/lứa, trong đó có 200 con được hỗ trợ giống, thức ăn, tiêm phòng, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn vịt. Trừ các loại chi phí, gia đình thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
Được Quỹ “HTND” hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng, gia đình bà La Thị Hoán, tổ 1, thị trấn Trùng Khánh đầu tư mở rộng mô hình kinh tế VAC tổng hợp và kinh doanh dịch vụ. Gia đình cải tạo chuồng trại nuôi trâu, lợn, gà, trồng rau và các loại cây ăn quả. Theo bà Hoán, trung bình mỗi lứa gia đình nuôi gần 40 con lợn, 5 - 10 con trâu bỗ béo, gần 100 con gà. Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, gia đình luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu gây giống, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ, bổ sung thức ăn tinh bột và thô xanh cho đàn vật nuôi, vì vậy hạn chế được các loại dịch bệnh phát sinh và tăng hiệu quả kinh tế.
Chủ tịch HND tỉnh Dương Hùng Dũng nhận định: Đến nay, Quỹ “HTND”được duy trì nền nếp, các cấp thành lập và duy trì tốt Ban vận động, điều hành, kiểm soát sử dụng quỹ đúng quy định. Ban Thường vụ HND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ủng hộ phát triển nguồn Quỹ “HTND”, quản lý, điều hành hoạt động quỹ đảm bảo hiệu quả thiết thực, xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết hợp tác, tổ hợp tác, xây dựng các chi hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế như: một số huyện và cơ sở hội chưa thật sự chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức vận động phát triển quỹ nên kết quả đạt được chưa cao, chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thành viên Ban vận động Quỹ “HTND” các cấp hoạt động chủ yếu kiêm nhiệm; hội viên, nông dân ở một số nơi chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả Quỹ “HTND” trong giai đoạn mới, HND tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới phương pháp vận động, kêu gọi vận động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hội viên, nông dân xây nguồn quỹ; nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn vay, tạo sức hấp dẫn từ nguồn quỹ; tập trung cho vay đúng trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích phát triển các cây trồng đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP; thúc đẩy thực hiện tốt Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn tin: Bao Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn