Quỹ Hỗ trợ nông dân tuổi 20: Định hình một kênh dẫn vốn đến nông dân

Thứ tư - 02/03/2016 03:55
Quy luật của tạo hóa mặc định ở sự sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Song không phải mọi thứ đều dễ dàng cứ lớn lên là trưởng thành, thành công được. Thành công được thường phải vượt qua gian khó, thử thách; khó khăn càng lớn khi vượt qua cũng sẽ thành công tương xứng. Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thuộc Hội Nông dân Việt Nam đi con đường không ra ngoài lẽ thường đó: sinh ra trong khó nhọc, vất vả qua thử thách và có tuổi 20 căng nhựa sống.
Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn trao Bằng khen của BCH cho Ban Điều hành Quỹ HTND TW tại Hội nghị sơ kế 5 năm thực hiện Đề án (ảnh: Đ.H)
Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn trao Bằng khen của BCH cho Ban Điều hành Quỹ HTND TW tại Hội nghị sơ kế 5 năm thực hiện Đề án (ảnh: Đ.H)
Niềm tin vượt khó

Thị trường vốn (tiền tệ) trong nền kinh tế là loại thị trường bậc cao, đòi hỏi có sự tổ chức chặt chẽ và quản lý chuyên biệt mới tránh đỡ thất bại. Đây là thị trường nhiều hấp dẫn nhưng cũng rất khắc nghiệt và luôn rình rập rủi ro. Những năm qua, lĩnh vực tài chính, tín dụng, tiền tệ, ngân hàng phục vụ sản xuất và đời sống người dân có được những kết quả nhất định, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, do nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường; đã có không ít tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng đổ vỡ, thất bại, phải đóng cửa; nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý, làm mất tiền của Nhà nước, mất uy tín với nhân dân…Thực tế này đã có nhiều góc nhìn, quan điểm thiên kiến cho rằng: Hội Nông dân không có khả năng tổ chức quản lý hoạt động tín dụng, tài chính, tiền tệ… rất dễ xảy ra mất vốn, mất cán bộ, nên không thể giao tiền cho Hội được; hoặc làm như vậy là trùng chéo, “lấn sân” vì đã có ngân hàng, các tổ chức tín dụng lo việc này, Hội chỉ làm tuyên truyền, vận động…theo cách gọi bây giờ là “tuyên truyền chay”…

Tháng 3/1996 (sau hơn 2 năm chuẩn bị), Quỹ HTND ra đời trong bầu không khí không chút nhẹ nhàng, nhiều hoài nghi như thế. Mấy năm đi vào hoạt động có đồng chí lãnh đạo bên Nhà nước chưa dám tin, còn đặt câu hỏi “Quỹ HTND thế nào..? có còn hoạt động nữa ko…?” vì nghĩ rằng, chắc Quỹ HTND “ra đi” từ lâu rồi. Song nhiều bậc lãnh đạo tiền bối của Hội khi đó, nhất là các đồng chí thường trực Trung ương Hội, đứng đầu là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội (bác Chín Cần – Nguyễn Văn Chính) và các cộng sự: bác Nguyễn Đức Triều - nguyên Chủ tịch BCH TƯ Hội; bác Lò Văn Inh, bác Lê Văn Nhẫn - nguyên PCT BCH Trung ương Hội…đã có niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ vào sự đứng vững, phát triển của Quỹ HTND.

20 năm đi qua, niềm tin trong gian khó ngày nào càng được củng cố và khẳng định trong nông dân, nông thôn. Đi tìm cơ sở của niềm tin ấy, cho tới mãi gần đây tôi mới vỡ lẽ, được lý giải thật đơn giản, đi qua cả các lý thuyết rắc rối, phức tạp của lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng, từ gợi mở của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần làm việc với Ban thường vụ Trung ương Hội NDVN (tháng 12/2015): “…chúng ta đi ra bên ngoài, nước này, nước khác, để ý quan sát xem người ta vận động tập hợp nông dân thế nào? thì thấy họ đều bắt đầu từ chỗ đem những công việc cụ thể giúp ích thiết thực cho các nhóm nhỏ nông dân, nhất là nông dân nghèo để tạo việc làm, sinh lợi, cho thu nhập, cải thiện đời sống…những nông dân này được hướng dẫn, hoạt động sử dụng nguồn lực hiệu quả, lớn dần lên thành các tổ, các hội, các hiệp hội… thì đều thành công cả”.

Quỹ HTND cũng bắt đầu như thế, suốt 20 năm luôn kiên trì, bền bỉ, miệt mài hoạt động, từng bước làm cho nông dân tin, cán bộ các cấp, các ngành bớt dần hoài nghi; chắt chiu từng đồng vốn, đến từng thôn, hướng dẫn từng hộ, xây dựng từng tổ, nhóm, đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn, thách thức, bám chắc trận địa nông thôn, bảo toàn từng đồng vốn và từng bước có được thành công, đến phát triển mạnh mẽ, vượt hơn cả mơ ước ban đầu của các bậc lãnh đạo tiền nhiệm đã dày công gây dựng vun đắp xây Quỹ.

20 năm định hình một con đường

Trước khi Quỹ HTND ra đời, một số nơi ở địa phương cũng đã có sự tìm tòi, “phát lá… phá rào…” khơi con đường đi cho đồng vốn đến với nông dân và tương hỗ nhau trong nông dân, nông thôn như ở Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa thí điểm cho nông dân vay theo Nghị định 22 của Hội đồng bộ trưởng; hoạt động tín dụng nông dân ở Nghệ an… nhưng đều “không được thông đường” không phát triển lên được...

Quỹ HTND ra đời ở Trung ương Hội NDVN, ban đầu chỉ với 40 tỷ đồng vốn đi vay. Ban Điều hành Quỹ do các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội tâm huyết kiêm nhiệm quản lý và một vài cán bộ giúp việc. Nhưng ngay từ đầu, Quỹ HTND đã xác định tôn chỉ, mục đích, định hướng rất rõ ràng, xuyên suốt: Quỹ không kinh doanh tiền tệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không thu lãi, chỉ thu phí đủ để trang trải chi phí; hoạt động Quỹ nhằm hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân nghèo có vốn, được hướng dẫn cách làm ăn vươn lên thoát nghèo. Ban Thường vụ Hội là người quyết định các nội dung, vấn đề hoạt động của Quỹ. Vì vậy đã huy động được sức mạnh to lớn của cả hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở tham gia hoạt động Quỹ, bằng việc gắn với nhiệm vụ công tác Hội và các phong trào nông dân. Đây chính là điểm khác biệt rất căn bản, là sức mạnh to lớn của hệ thống Hội có được, điểm tựa cho phát triển Quỹ mạnh mẽ, bền vững mà khó có tổ chức tài chính, tín dụng nào có được khi cho nông dân vay vốn. Điều này cũng làm sáng tỏ câu hỏi tại sao Quỹ HTND không có cán bộ tài chính, tín dụng, ngân hàng giỏi hay chuyên nghiệp nhưng lại tổ chức được một hệ thống các Quỹ HTND khắp cả nước, cho nông dân vay, sử dụng vốn hiệu quả, thu hồi vốn vay đầy đủ, không thất thoát (hiện dư nợ cho vay từ nguồn Quỹ Trung ương đạt đến 99% nguồn vốn, nợ quá hạn dưới 0,2%).

Từ một Quỹ rất nhỏ ở Cơ quan Trung ương Hội, đến nay Quỹ HTND đã hình thành ở 63/63 tỉnh, thành phố, hàng trăm Quỹ HTND cấp huyện và đang hoạt động tại hàng nghìn xã, phường với hàng vạn cán bộ Hội tham gia, hàng triệu hộ nông dân trong cả nước được hỗ trợ.

Trở thành kênh dẫn vốn hữu hiệu đến nông dân

Lần lại thời gian, điểm từng bước đi, Quỹ HTND cũng có lúc gặp khúc quanh gian khó, nhưng ngọn lửa niềm tin “Quỹ” luôn được truyền tiếp suốt các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Hội. Ngày trước Bác Chín, bác Triều, bác Nhẫn, bác Inh, bác Huệ; hôm qua có bác Kỳ, bác Tuyết, bác Tôn, bác Mịch và hôm nay đang bùng cháy trong bác Cường, bác Môn, bác Lượng, bác Điều, bác Lý…các tác giả của bức tranh ấn tượng từ những con số được khẳng định tại Hội nghị sơ kết hoạt động Quỹ 5 năm gần đây (2011 - 2015, thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND theo Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ Tướng Chính phủ) tại Thủ đô Hà Nội tháng 1/2016 “Đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 2.040,389 tỷ đồngtăng 1.493 tỷ đồng so trước khi thực hiện Đề án, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân toàn hệ thống đạt 30%/năm. Trong đó: nguồn Quỹ Trung ương đạt 569,180 tỷ đồng (chiếm 28%) tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 63%/năm. 59/62 tỉnh, thành Hội sử dụng nguồn Quỹ Trung ương thực hiện bảo toàn 100% nguồn vốn, nợ quá hạn không đáng kể, chỉ có 4 dự án thuộc 4 tỉnh phát sinh nợ quá chiếm 0,19% tổng dư nợ”.

5 năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân có bước phát triển vượt bậc. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng hơn 4 lần. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ kiện toàn ở 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; phương thức cho vay đổi mới từ chi, tổ Hội chuyển sang cho vay theo dự án. Quy mô hỗ trợ cho vay nâng từ 300 triệu lên đến 1.500 triệu đồng một dự án. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao, gia tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với phát triển nguồn vốn trực tiếp quản lý, cho vay, Quỹ HTND đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn qua dịch vụ ủy thác của các ngân hàng. Dư nợ ủy thác hiện nay đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6,5%; chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên (nợ quá hạn từ ủy thác của ngân hàng CSXH chiếm 0,32%, Ngân hàng NN&PTNT 0,49%).

Nguồn vốn Quỹ HTND và dịch vụ ủy thác vốn của các ngân hàng đã tạo ra hàng triệu việc làm, giúp nông dân liên kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự ở nông thôn.

Từ mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ HTND nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nông dân nghèo có vốn làm ăn thoát nghèo. Hiện nay, hoạt động này đã vận động thu hút hàng triệu nông dân vào tổ chức Hội qua việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn họ cách làm ăn hiệu quả… Quỹ không chỉ còn hỗ trợ cho vay mỗi hộ nghèo 3 triệu hay 5 triệu như buổi đầu của 20 năm trước. Bây giờ, các hộ nông dân có thể vay tới 50 triệu đồng, các dự án Quỹ hỗ trợ cho vay đã đến 1,5 tỷ đồng/dự án không cần phải thế chấp tài sản và tới đây chắc chắn không dừng lại ở con số này, Quỹ tiếp tục mở ra những mô hình hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn để nông dân khá giả và giầu có.

Nguồn tin: nongdan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay3,889
  • Tháng hiện tại77,179
  • Tổng lượt truy cập3,442,774
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây