Cũng như nhiều gia đình khác ở xã Đình Phùng, cuộc sống của gia đình anh Trương Diều Hùng vốn chỉ dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế rất khó khăn. Nhận thấy lợn đen bản địa (ít mỡ, thịt thơm) được các nhà hàng ở thị trấn ưa thích, anh tìm hiểu và thử nghiệm mô hình chăn nuôi để làm giàu từ giống lợn này.
Từ năm 2015, được Hội Nông dân hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, anh Hùng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đen địa phương theo hình thức bán chăn thả với thức ăn chính là cỏ, cây chuối, bột ngô; định kỳ vệ sinh máng ăn và rải vôi quanh chuồng trại, tiêm vắc xin theo quy định để phòng bệnh. Hiện, gia đình anh nuôi 5 con lợn nái, hằng năm xuất chuồng gần 100 con lợn giống; 10 con lợn thịt, xuất chuồng từ 4 - 4,5 tấn thịt/năm. Ngoài ra, anh tìm mua những con trâu, bò gầy hết khả năng cày kéo về nuôi nhốt, mỗi đợt anh nuôi từ 5 - 7 con, vỗ béo khoảng 2 - 3 tháng để bán ra thị trường, mỗi con lãi từ 5 - 7 triệu đồng.
Năm 2016, anh tìm hiểu mô hình nuôi cá chép, cá trầm hương tại Sa Pa, Lào Cai và học hỏi qua sách, báo. Sau đó, anh dùng số tiền tiết kiệm và vay thêm 500 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mua hơn 10.000 con cá giống rô phi, cá chép và cá trầm hương. Xung quanh bờ ao đều được chắn bằng kè bê tông cẩn thận, ngăn chặn khả năng thất thoát cá khi nước dâng cao. Cùng với phát triển chăn nuôi, anh còn trồng 7 ha trúc sào, hơn 2 ha cây hồi và cây ăn quả các loại, làm dịch vụ vận tải phục vụ bà con trong vùng.
Từ mô hình tổng hợp, năm 2016, tổng thu của gia đình đạt 2 tỷ 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi 1 tỷ 100 triệu đồng. Hằng năm tạo việc làm cho khoảng 25 lao động địa phương; hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho trên 50 hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, cho 15 hộ gặp khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất không tính lãi; mỗi năm giúp đỡ được 10 hộ thoát nghèo bền vững.
Năm 2017, anh Hùng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016.