Lạn Dưới, Lạn Trên và Lũng Vài thuộc xã Đoài Khôn là 3 xóm vẫn giữ được nghề đan lát mây tre truyền thống của dân tộc Nùng An. Đã từ lâu, đây là điểm đến của nhiều thương lái cùng những du khách nước ngoài có sự quan tâm, yêu thích những sản phẩm làm ra từ mây tre, hình ảnh biểu trưng của người Việt. Không chỉ có nghề truyền thống lâu đời, mặt hàng đẹp mà mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm ngày càng đa dạng đã chắp cánh cho mây tre đến được tay những người yêu thích sản phẩm. Ông Vương Văn Tịch, ở xóm Lạn Dưới chia sẻ: Nghề đan lát mây tre ở đây tồn tại hàng trăm năm nay được truyền từ đời này sang đời khác, đời cha sang đời con.
Sản phẩm đan lát mây tre ở đây khá đa dạng và phong phú. Có những vật dụng dùng cho sinh hoạt đời sống hằng ngày, như: “lò”, “kheng”, “choóng”, “khương” (cách gọi theo tiếng địa phương). Mỗi loại đều có một quy trình và cách thức thực hiện khác nhau. Trong đó “lò”, “kheng”, “choóng” là những vật dụng thiết yếu của người dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất, dùng để đựng ngô, lúa, rau củ và các loại hàng hóa. Đặc biệt, theo phong tục, “choóng” là vật dụng không thể thiếu trong lễ cưới hỏi của người Nùng An.
Để làm nên sản phẩm, đối với người thợ đó là một nghệ thuật, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn. Họ thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì nếu tre non thì rất giòn, dễ gãy và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng không có trăng, bởi vì cây tre đầu tháng chứa nhiều nước nên khi sấy mất nhiều thời gian và dễ bị mọt. Đặc biệt, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Công đoạn vót nan mang yếu tố quyết định để hoàn thiện cho một sản phẩm đẹp, do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. Chẻ nan mỏng hay dày là tuỳ thuộc vào sản phẩm sẽ được đan, phải chuốt sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Nan chuốt xong đem treo lên giàn bếp trong một thời gian nhất định mới đan được.
Sản phẩm đan lát được bán tại chợ phiên. Ảnh: Thế Vĩnh
Theo người dân nơi đây, trung bình mỗi hộ một tuần làm được nhiều nhất từ 3 - 4 đôi, mỗi đôi có giá bán từ 100 - 130 nghìn đồng, nếu thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập mỗi năm khoảng 25 - 30 triệu đồng. Nghề đan lát gia truyền ở xã Đoài Khôn đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế. So với một số địa phương khác, sản phẩm đan lát làm ra ở đây có màu sắc đẹp và chất lượng tốt hơn. Anh Hoàng Văn Nghiệp, Trưởng xóm Lũng Vài cho biết: Đan lát là nghề truyền thống của gia đình nên những người thợ đan lát bắt đầu học và làm nghề từ khi còn nhỏ. Vừa làm nông, vừa làm thêm nghề đan lát để có thêm thu nhập, cũng là để giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Nghề đan lát của người Nùng An ở Đoài Khôn trước đây khá phát triển, vào lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng đan lát. Thời điểm hưng thịnh nhất vào các năm 1990 - 1998, sản phẩm đan lát Lạn Trên, Lạn Dưới, Lũng Vài có mặt ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và nhiều địa phương khác, như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề đan lát ở Đoài Khôn vẫn tồn tại ở quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, nghề đan lát đang dần bị mai một bởi sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm với mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, hiện nay người dân thay đổi tập quán canh tác, nếu như trước đây việc mang ngô, lúa về nhà bằng đôi lò, kheng, hiện người dân dùng xe máy, xe kéo để chở về nhà cho tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức.
Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân ở Đoài Khôn, cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp để khai thác giá trị sử dụng và gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch bền vững và có ý nghĩa vừa góp phần bảo tồn một nghề truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc Nùng An.