Kỹ thuật chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình

Thứ sáu - 21/08/2015 05:16
1. Về nghề nuôi thỏ

Hiện nay ở nước ta chăn nuôi thỏ chưa thực sự phát triển mạnh dù giá trị kinh tế của thỏ rất lớn. Một nguyên nhân do người dân chưa biết kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ. Khác với chăn nuôi lợn, gà, vịt... thỏ có khả năng sử dụng được nhiều thức ăn thô, xanh trong khẩu phần. Nuôi thỏ là tận dụng nguồn thức ăn sản phẩm phụ từ nông nghiệp, rau lá cỏ tự nhiên và sức lao động phụ trong gia đình.

Thịt thỏ được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, hàm lượng đạm cao, mỡ thấp, đặc biệt là hàm lượng cholesteron rất thấp nên thịt thỏ là loại thực phẩm điều dưỡng bệnh tim mạch ... Thịt thỏ có thể chế biến thành món ăn như món rán, món hấp, món xào lăn.

Thỏ có giá trị cao nhưng muốn nuôi thỏ thành công người chăn nuôi cần phải nắm được một số đặc điểm sinh lý, tiêu hóa, hiện tượng bất thường, đặc điểm sinh sản, kỹ thuật chăm sóc thỏ theo lứa tuổi và cách phòng và trị bệnh cho thỏ.

2. Đàn thỏ giống ở Việt Nam

Thỏ nhà được thuần hóa từ thỏ rừng sống hoang dã. Chúng còn giữ nhiều bản năng phản ứng với thiên nhiên và động vật khác. Trong quá trình thuần hóa, con người đã nhốt thỏ trong lồng, chuồng để bảo vệ cũng như để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tại Việt Nam, thỏ có nhiều loại như thỏ nội (thỏ đen, thỏ xám), thỏ ngoại (thỏ Newzealand, thỏ California, thỏ Pháp, thỏ Hungari...). Trong cuộc tập huấn này, tập huấn viên chủ yếu giới thiệu về hai dòng thỏ Newzealand là loại thỏ toàn thân lông trắng, mắt đỏ, và thỏ California lông trắng có đốm đen ở tai và mũi. Thỏ giống chuẩn có thể mua từ Trung tâm nghiên cứu dê thỏ Ba Vì, Sơn Tây (0433838341).

3. Làm chuồng trại

Chuồng thỏ được làm từ những vật liệu dễ kiếm như tre, nứa, bương, gỗ nhưng cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như thỏ hoạt động dễ dàng thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe; chuồng chắc chắn, bền vững, dễ dàng vệ sinh chuồng trại, ít tốn công khi cho ăn, chăm sóc, bắt; thỏ không chui lẫn đàn ra ngoài. Chẳng hạn ở Thu Cúc, bương nhiều, nên chọn cây bương càng già càng tốt, vót nan, ngâm 15 – 20 ngày, chiều cao từ 45- 50 cm, rộng 70 – 75 cm, dài bằng rộng, chiều cao của chân 40 – 50cm. Chuồng nên làm bằng nan vót nhẵn nhụi, làm hai hoặc 4 ngăn. Đáy chuồng là bộ phận rất quan trọng cần làm bằng nan thẳng, đóng nan nọ cách nan kia từ 1.25 – 1.5 cm chỉ đủ vừa ngón tay lọt vào để phân thỏ rơi xuống đất. Khoảng cách giữa các nan cần làm đều nhau không quá rộng, quá hẹp tránh thỏ cho thỏ không bị kẹt chân. Làm chuồng như vậy cũng tránh chuột chui vào cắn thỏ, nhất là thỏ con mới sinh.

Những dụng cụ nuôi thỏ là máng thức ăn thô, máng ăn tinh, chậu nước uống phải được thiết kế đúng kỹ thuật. Làm sao để thỏ dễ ăn uống, không thải phân và nước tiểu hoặc nằm được vào máng ăn, không cào bới được thức ăn ra đáy. Máng ăn, máng uống nên làm bằng nguyên liệu sẵn có và được thiết kế chắc chắn, thỏ không làm đổ được.

Máng ăn có thể làm bằng ống cocacola, hay ống nhựa 110, cắt khúc 8-9 phân, dùng làm khuôn đổ xi măng. Với máng xi măng như vậy, thỏ sẽ không lật đổ máng. Máng hình tròn và cao như vậy thì thỏ không đi ỉa vào máng và không làm bẩn máng.

Ổ đẻ là một hộp gỗ có thể cho vào, bỏ ra chuồng dễ dàng. Kích thước phù hợp là: chiều dài 45 cm, rộng 30 cm, cao 25 cm, có ngưỡng cửa cao 12 cm để thỏ mẹ ra vào dễ dàng mà thỏ con không bò ra ngoài được.

Để tránh sự ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, cần sử lý chất thải bằng cách đào hố ủ phân cạnh chuồng thỏ.

4. Cách bắt thỏ

Phải bắt thỏ thật cẩn thận để khỏi gây chấn thương cho thỏ. Khi nhấc thỏ lên phải nắm thật chắc chắn nhưng rất nhẹ nhàng.

Khi bắt thỏ, chú ý đừng để thỏ chạy hỗn loạn, làm chúng sợ và phản ứng lại, cào cắn mình. Không bao giờ được nắm chân, nắm tai thỏ để nhấc lên. Vì tai thỏ có nhiều mạch máu, nếu bắt vào tai thỏ dễ bị đứt mạch máu, gây tử vong

Khi bắt thỏ trưởng thành, một tay vuốt dọc tai và nắm chắc da vùng trên lưng sát gáy thỏ, tay khác đỡ dưới mông thỏ nhấc lên. Khi bắt thỏ con, cần nắm chắc vùng giữa xương chậu và mông nhấc thỏ lên để đầu thỏ cúi xuống.

5. Vệ sinh chuồng trại

Các trại chăn nuôi lớn hàng tháng phun thuốc khử trùng một lần. Ngoài ra, nên rắc vôi khử trùng tiêu độc. Cần tránh không cho người lạ ra vào tự nhiên khu chăn nuôi đề phòng lây bệnh từ người sang thỏ.

Trong chăn nuôi thỏ gia đình, nên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tháng phun thuốc khử trùng (iodine) một lọ. Hàng ngày phải quét dọn phân, rác đọng lại ở đáy, góc chuồng thỏ.

6. Chọn thỏ giống

Nên mua thỏ giống từ những gia đình quen biết, tin tưởng họ là những người nuôi thỏ có nhiều kinh nghiệm, quản lý đàn giống tốt, chăm sóc thỏ cẩn thận.

Với đa số các giống thỏ, con cái có thể bắt đầu phối giống được lúc 5 tháng tuổi trở lên, con đực thì muộn hơn khoảng một tháng, vào lúc 6 tháng tuổi trở lên. Cho nên khi gia đình mới nuôi thỏ, nên mua thỏ giống ở lứa tuổi hậu bị, khi chúng biểu hiện rõ đặc điểm ngoại hình, có thể chọn giống được và phối giống được ngay để chóng có thỏ con. Để tránh cận huyết, khi mua thỏ giống phải chọn thỏ cái và thỏ đực giống có nguồn gốc khác bố khác mẹ.

Thỏ chọn làm giống phải khoẻ mạnh, lưng phẳng, cơ thăn, bắp đùi, mông phải đầy đặn và chắc chắn. Chỉ chọn mua những con thỏ có thể lực tốt, linh hoạt, nhạy cảm, mắt sáng sủa, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không có vẩy; lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường.

Nên chọn những con thỏ làm giống từ đàn đẻ 5 - 6 con/lứa trở lên. Cần phải cân để chọn những con thỏ có khả năng sinh trưởng tốt, đạt 1,4 - 1,8 kg lúc 3 tháng tuổi làm giống. Để chọn con cái giống, cần theo dõi thỏ mẹ qua ba lứa đẻ, nếu không đạt (ví dụ số con ít hơn 5 con/lứa, hoặc hay cắn con) thì sẽ loại bỏ. Con cái phải có 8 vú xếp thẳng đều ở hai hàng để có thể nuôi được 8 con thỏ con. Thỏ giống nên chọn từ đàn đẻ 6-7 con, đầu nhỏ, chân tay to, nở, mình thon, phần hông nở nang.

Chọn giống thỏ đực thì tìm con đầu to, chân tay to, mập mạp, ngực nở, đặc biệt có dương vật thẳng và hai quả cà (tinh hoàn) đều nhau, nở nang (không bị lép).

7 . Thức ăn cho thỏ

Thức ăn xanh Lá ngô, su hào, bắp cải...đó là những thức ăn thô cho thỏ, lá cây đậu, lạc, xoan, sung, mít, lá đu đủ, lá chuối, đậu lạc, cỏ ghi-nê, chè đại, cỏ voi... Cho thỏ ăn theo nguyên tắc thỏ ăn nhiều thì cho ăn, ăn ít thì thôi, nên cho thỏ ăn thức ăn đa dạng.
Thức ăn xanh cho thỏ cần thu hái từ nguồn sạch sẽ. Không được cắt thức ăn từ những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, nẫu, lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, trướng bụng đầy hơi.

Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống sau khi cắt về, mà nên rải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn.

Có thể làm giàn phơi cỏ khô thật kỹ, bó lại treo lên để dự trữ làm thức ăn vào những ngày mưa, mùa đông khi không có thức ăn xanh.

Thức ăn tinh Tất cả ngô, khoai sắn...củ quả, cùng để nuôi kiểu công nghiệp, . Ngô lúa ngâm thì không nên cho ăn. Nên nuôi công nghiệp hiệu quả cao, năng suất nhanh. Cám Con Cò C16 (loại dành cho lợn từ 30 kg trở lên) vẫn dùng cho thỏ được. Chú ý không cho ăn cám nhiều đạm mà chỉ cần cho thức ăn khoảng 15-16% đạm. Trung tâm nghiên cứu Dê Thỏ khuyến cáo không nên cho thỏ ăn cám đậm đặc vì sợ thỏ ăn nhiều muối nên chết nhưng theo kinh nghiệm của tập huấn viên thì cho với mức độ vừa đủ thì vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng cho thỏ. Với cách này, tập huấn viên đã chia sẻ kinh nghiệm thức ăn cho thỏ ở nhiều vùng nuôi thỏ của Việt Trì, Tuyên Quang, Hà Giang .

Không nên cho thỏ ăn ngô khô cứng, mà nên cho thỏ ăn cơm, nấu 1 hôm 1 nồi cơm, cho cơm trộn cám.

Cách chế biến thức ăn tinh viên: Cách pha trộn thức ăn tinh cho 10 kg cám như sau: 10 kg cám pha trộn trong đó có 6 kg bột ngô (60%), còn lại cám gạo, cám sắn (10 – 15%), có thêm 15% cám đậm đặc (Cám C20) trộn với nước, đưa máy ép thành viên (độ ẩm vừa phải), phơi khô và bảo quản cho thỏ ăn trong nhiều tháng. Cũng có thể dùng cách chế biến này cho lợn, gà, ngan, vịt...Cho thỏ ăn cám viên cho trực tiếp.

8. Động dục

Phụ thuộc vào cách cho ăn tốt hay không thì thỏ động dục sớm hay muộn. Cho ăn tốt thỏ đẻ tốt, con tốt, có thể đẻ từ 7 – 9 lưa/năm, nếu không thì chỉ khoảng 4 lứa/năm.

Thỏ vào tuổi động dục từ khi 2,5 tháng tuổi, nếu nhốt chung nhau là thỏ có thể chửa đẻ. Tuy nhiên, ta không nên phối giống sớm ở giai đoạn này để giữ sức cho thỏ mẹ.

Thỏ ngoại và nội động dục như nhau, cụ thể thỏ ngoại 3 kg- trở lên, thỏ nội 2,5 kg, khi chúng có tuổi đời 5,5 -6 tháng. Thỏ đực giống không được phối giống dưới 6 tháng, đưa vào sử dụng trên 6 tháng, thỏ nái thì chỉ khoảng 5 tháng trở ra là phối giống được.
Chu kì động dục của thỏ kéo dài 10 – 16 ngày. Nhiều người nuôi thỏ không theo dõi thời gian, khi đó nếu chúng ta cho ăn tốt và thỏ to (3,3- 3,5 kg) thì có thể mang con cái sang chuồng con đực và con đực sẽ tự kiểm tra xem thỏ động dục hay chưa.

Thỏ cái hậu bị lúc 5 tháng tuổi, thỏ đực lúc 6 tháng tuổi, khoẻ mạnh, thể lực tốt, nếu phát hiện thấy động dục thì có thể cho phối giống lần đầu. Thỏ cái động dục thì niêm mạc âm hộ sưng tấy, đỏ tươi, thấm ướt dịch nhờn thì mới có thể chịu đực.

9. Phối giống

Khi phối giống, ta luôn luôn đưa con cái đến con đực và theo dõi kết quả phối giống. Nếu con cái chịu đực thì nó dừng lại, nâng mông để thỏ đực nhảy phối. Nếu thỏ đực giao phối được thì ngã trượt xuống một bên con cái, có tiếng kêu. Sau một phút thì đưa con cái về ô chuồng của nó và ghi ngày phối vào phiếu để dự kiến ngày thỏ đẻ.

Sau khi cho thỏ cái vào thỏ đực khoảng 5 phút mà không phối được thì đưa thỏ cái trở lại chuồng của nó và cho phối lại vào ngày hôm sau.

Đôi khi thỏ cái có động dục nhưng vẫn cứ nằm sát vào góc chuồng để trốn thỏ đực. Khi đó ta nên giúp chúng phối bằng cách: một tay nắm da gáy con cái, tay kia luồn xuống bụng, nâng mông nó lên để thỏ đực nhảy phối được dễ dàng.

Thời điểm lấy giống nên vào buổi sáng sớm hoặc chiều muôn khi trời mát.

Để quản lý giao phối giống, cần có sổ theo dõi, mỗi chuồng đánh số và phiếu theo dõi, ví dụ đực tai đen, tai trắng, cái trắng tuyền, chuồng số. Tránh tình trạng đồng huyết, theo dõi đánh số chuồng ghi từng ngày giao phối.

Chú ý cần tránh tính trạng bố phối giống với con, chéo dòng, gây tình trạng trùng cận huyết. Vì vậy, nên mua con đực ở trại mua giống (Trung tâm Nghiên cứu Dê Thỏ Sơn Tây), không lấy nhà nọ qua nhà kia. Hoặc nên mua đực giống ở trại giống khác.

Chuồng đực để cố định, không nên để con đực vào con cái, bắt con cái qua chuồng con đực, vì đực quen chuồng nên dễ phối nhanh, cho phối buổi sáng rồi chiều cho phối lại, nếu nó không chịu thì thôi. Nhiều người cho thỏ đực phối 1 ngày 1 lần để giữ sức khỏe.

Có thể khám thai cho thỏ cái để biết kết quả phối giống. Cần bạo tay khi khám, luồn tay nắn xương sống ruột già, có những cục to, nhỏ chạy đi chạy lại. Thực hiện khám sau ngày 15-20 kể từ khi con thỏ đã phối giống.

Nếu không khám thai thì sau khi lấy giống 5 ngày, cho thỏ cái vào chuồng thỏ đực lần hai nếu thỏ chạy, khịt khịt thì tức là thỏ đã phối giống thành công, thỏ cái vẫn cong đuôi lên nhận đực thì tức là thỏ chưa được đực nên phối lại lần này.

Cần lập Hồ sơ theo dõi thỏ đẻ và nên để đẻ 3 lứa kiểm tra và loại bỏ thỏ mẹ chất lượng kém.

Thỏ có một đặc tính là vừa nuôi con vừa mang thai, và có thể lấy giống một hay ngày sau khi thỏ mẹ đẻ. Tuy nhiên, nếu lấy giống mau quá, số thỏ con một lứa có thể bị giảm. Nếu thỏ cái đẻ ít khoảng 3-4 con, thì sau khi đẻ 40 tiếng ta lại cho phối giống lần 2. Có thể phối lần tiếp sau khoảng 9-12 ngày sau khi thỏ đẻ nếu thỏ mẹ đẻ 5-6 con. Nếu thỏ đẻ 7-8 con thì cho 20 ngày sau phối tiếp; nếu muốn tốt hơn thì khoảng 30 – 33 ngày cho phối tiếp. Càng kéo dài thời gian lấy giống lần tiếp thì càng tốt cho sức khỏe con mẹ. Theo một số quan sát của tập huấn viên thì ở trạm Thu Cúc thì thỏ cái chỉ khoảng 2.7 kg là cho phối giống được.

Tùy theo cách cho thỏ ăn và tùy thuộc từng mùa thì ta sẽ lấy đực sớm hay muộn. Nếu như mùa hè năm 2009 thì lấy đực khó vì thời tiết quá nắng nóng.Nên lấy giống cho thỏ vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi mát mẻ.

10. Chăm sóc thỏ sinh sản

Thỏ thường đẻ vào ngày thứ 30 sau ngày phối giống, có thể sớm muộn hơn 2 - 3 ngày. Trước khi thỏ đẻ 3 - 4 ngày thì đặt ổ đẻ vào chuồng thỏ mẹ. Ổ đẻ được lót bằng lớp phoi bào mềm, hoặc cỏ khô, rơm khô mềm mại để hút ẩm làm cho đáy ổ đẻ và tổ ấm của thỏ con luôn được khô ráo sau khi đẻ. Trước khi đẻ 1 - 2 ngày, thỏ mẹ vào ổ đẻ cào bới ổ rồi nhổ lông trộn lẫn với đồ lót tạo thành tổ ấm rồi đẻ con vào đó, lấy lông đậy kín lại. Một số thỏ mẹ đẻ lứa đầu không biết nhổ lông làm ổ, hoặc đẻ con ra ngoài ổ đẻ thì ta cần nhổ lông bụng của nó và lấy đồ lót mềm của ổ khác làm tổ ấm rồi nhặt gom thỏ con đặt vào. Thỏ con sơ sinh không có lông, không mở mắt, không đứng được, nên phải có tổ ấm trong ổ đẻ để bảo vệ chúng khỏi bị chết rét và xây xát da.

11. Các loại bệnh của thỏ thường gặp

Các bệnh cần phòng cho thỏ là ghẻ, tụ cầu trùng, nấm, bại liệt, bại huyết, trướng bụng đầy hơi.

Hàng ngày phải quan sát thỏ kỹ càng để xem có con nào bị ốm không. Nếu thỏ ốm thì bỏ ăn, giảm trọng lượng, lông xù, lông xung quanh đuôi bẩn dính bết lại. Thỏ có khi nằm ở tư thế không bình thường hoặc không đi lại được dễ dàng.

Nuôi thỏ quan tâm bệnh ghẻ hàng đầu: dấu hiệu là có vẩy sùi dần lên ở lỗ tai, trên vành tai, ở sống mũi, mí mắt, móng chân, gót chân. Khi đó cần dùng thuốc nhóm ivermectin tiêm ngay. Khi thỏ gầy còm, tai, nũi, mí mắt sần sùi thì đó là dấu hiệu ghẻ cần biết. Để phát hiện thỏ bị ghẻ cũng cần kiểm tra móng chân, mũi và tai. Muốn phát hiện ra bệnh ghẻ cần được kiểm tra định kỳ mỗi tháng 2 lần để phát hiện kịp thời càng sớm càng tốt. Thỏ khỏe. lông phủ kín móng, nếu không thấy phủ kín là bị ghẻ.

Tiêm ghẻ tiêm dưới da ở gáy là tốt nhất. Thỏ chưa mang thai, tất cả các loại thuốc thú y dành cho chó, mèo tiêm được nhưng nồng độ giảm (thường dùng liều 0,5 – 0,7cc cho thỏ 2 kg)

Thỏ thịt nuôi nhanh thường không bao giờ bị ghẻ vì khoảng 2 tháng đã xuất chuồng. Nếu để giống thì phải tiêm ghẻ trước khi cho phối giống. Khi đó, phải dùng thuốc đặc trị dành cho thỏ mang thai, cho con bú.

Bệnh đau bụng ỉa chảy có nguyên nhân chủ yếu do thức ăn. Có thể chữa bằng thuốc nam như lá chè, lá chuối, lá sung. Khi bị đi ỉa nhiều không cho ăn cám mà chủ yếu ăn lá chát và cho thuốc đi ỉa.

Với bệnh viêm ruột, ta cần quan tâm đến khâu thức ăn, vệ sinh chuồng trại, chuồng nên nhẵn nhụi, không sần sùi, tránh làm xước da thỏ

Bệnh nấm: vành mắt mất lông, lây sang người. Thỏ cũng ít bị bệnh này. Nếu bị thì cũng tiêm thuốc ghẻ tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Bệnh bại liệt: nhẹ thì tiêm thuốc bổ, trợ lực như B Complex, nhưng khi thỏ bị nặng thì không khỏi.

Bệnh cảm nóng: ở Lâm Thao cũng chưa gặp, nếu có do thời tiết quá nóng. Thỏ thoát mồ hôi chủ yếu bằng mũi nên khi nhiệt độ tăng cao, thỏ dễ bị cảm nóng do không thoát được mô hôi

Bệnh bại huyết rất ít gặp. Tập huấn viên cho biết gia đình ông nuôi thỏ đã 6 năm nhưng chưa có con nào bị bệnh bại huyết. Triệu chứng của bệnh bài huyết là khi chết thỏ hộc máu mồm. Nếu thỏ bị bại huyết, cần đến Trung tâm nghiên cứu Dê Thỏ Sơn Tây lấy thuốc về tiêm.

Bệnh viêm mũi thỏ cũng thường xuyên bị khi nhiệt độ lên quá 35 độ C, càng nắng càng đề phòng bệnh viêm mũi. Nhiệt độ thích ứng tốt của thỏ là 20 – 25 độ C.Để ý thấy thỏ hay xịt mũi là lúc thỏ bị viêm mũi. Năm nay nhiệt độ cao do nắng nhiều nên thỏ thường xuyên mắc bệnh. Chữa đơn giản bằng Streptomixin pha loãng, ngày nhỏ vào mũi 4 lần, mỗi mũi 1 giọt. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,123
  • Tháng hiện tại76,413
  • Tổng lượt truy cập3,442,008
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây