Ngày mừng đầy tháng, gia đình sẽ mời thầy tào làm lễ đặt tên, cúng bà mụ cầu mong em bé hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, không quấy khóc.
Tổ chức lễ đầy tháng, nhất là những đứa con, đứa cháu đầu lòng bao giờ cũng được gia đình tổ chức cầu kì, chu đáo. Từ việc chọn ngày lành tháng tốt đến việc chuẩn bị thực phẩm, chọn mời thầy tào làm lễ, nhờ anh em, hàng xóm đến giúp làm mâm cỗ… Trong lễ đầy tháng phải có bánh "coóc mò". Để làm bánh, người thân trong gia đình sẽ chuẩn bị gạo nếp thơm, dẻo, hạt to mẩy từ chiều ngày hôm trước. Sau đó, gạo được ngâm nước rồi rửa sạch cho ráo và được gói trong lá chuối hình như cái chóp, đem luộc chín và xâu thành từng chùm khoảng 3 - 5 chiếc.
Đến ngày chính, bà ngoại sẽ mang nôi, địu thổ cẩm, ô và gà mái tơ, gạo nếp thơm, bánh "coóc mò" đến nhà bên nội. Bà ngoại sẽ là người bế em bé vào nôi. Sau khi làm lễ thắp hương cúng gia tiên, cúng bà mụ, một người phụ nữ có uy tín, gia đình hạnh phúc, con cái đề huề cầm ô địu em bé trên lưng đi ra đường tượng trưng như đưa đi học. Trên tay người phụ nữ cầm cặp sách, bút, vở và bánh "coóc mò" đem theo để "bán" bánh "coóc mò" cho hàng xóm. Người nào nhận bánh sẽ mừng tiền và dành những câu chúc tốt đẹp đến em bé mong cho khỏe mạnh, may mắn và học giỏi. Khi quay trở về cũng là khi nghi lễ kết thúc, sau đó anh em, họ hàng quây quần bên nhau ăn bữa cơm thân mật để gắn bó thêm tình cảm gia đình. Từ sau ngày mừng đầy tháng em bé sẽ được bế ra ngoài chơi.
Lễ "Khai bươn" của người Tày đã có từ lâu đời là một phong tục đẹp, không chỉ là ngày đứa trẻ có tên được chứng nhận là thành viên của gia đình mà đó còn lưu giữ những giá trị nhân văn tốt đẹp đến nay.