Theo phong tục truyền thống của người Tày, Nùng “Pây tái” hay còn gọi là Chầư nèn, Dương tai nghĩa là đi sang nhà ngoại, ý nghĩa của cụm từ Pây tái là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình.
Bà Nông Thị Tuyến, phường Ngọc Xuân, người dân tộc Tày chia sẻ: Không ai rõ Tết Pây tái có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu nhưng cứ đúng ngày mùng 2 tết, con cái mang theo lễ vật gồm các loại bánh kẹo và không thể thiếu con gà, con vịt về nhà ngoại ăn tết. Gia đình tôi cũng thường chuẩn bị từ rất sớm cho ngày lễ quan trọng này, ngoài lễ truyền thống, những thứ mà ông bà thích chúng tôi cũng mua thêm rất nhiều.
Lễ “pây tái” truyền thống gồm: Con gà trống thiến (hoặc cân thịt lợn), bánh khảo, 2 cặp bánh chưng và một bình rượu. Nếu cặp vợ chồng nào kinh tế khá hơn thì mua chút bánh kẹo, cân chè để làm quà biếu bố mẹ, anh em, họ hàng. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, đôi vợ chồng quảy gánh quà để về ngoại cùng với con cái nếu có. Đây là một trong những phong tục tập quán thể hiện những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo với nhiều sắc thái khác nhau.
Người Tày, Nùng quan niệm rằng, người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo việc làm ăn và quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên bên nhà chồng, vì vậy, ngày mùng 2 tháng giêng và ngày rằm tháng bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng và con trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cho cha mẹ. Đây còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh thành, dưỡng dục người mình đã lấy về làm vợ. Dịp này, con cái có dịp báo hiếu cha mẹ bằng những việc làm cụ thể như giặt giũ, may, vá quần áo cho bố mẹ, giúp bố mẹ hoàn thành những tâm nguyện trong cuộc sống. Đây còn là dịp, những người phụ nữ đi lấy chồng xa gặp lại bạn bè thời ấu thơ, họ ngồi quây quần bên nhau hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, gia đình… kéo dài suốt đêm không hết.
Trải qua bao thế hệ, đến nay, người Tày, Nùng ở Cao Bằng vẫn duy trì phong tục “Pây tái”. Sự trở về gia đình chung và sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày mùng 2 tết không chỉ thể hiện lòng hiếu đạo, ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ của người phụ nữ mà còn phản ánh truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nói chung của người Việt Nam. Mâm cơm sum họp trong ngày trở về chính là sự gắn kết tình thân ái gia đình của người Tày, Nùng, cao hơn nữa là tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xã, đất nước.
Với người Tày, Nùng, dù sống ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S cũng không thể quên tục "Pây tái". Dù cách làm, phong tục mỗi nơi khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày lễ, tết đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc. Chính vì vậy, phong tục này cần được gìn giữ và phát triển hơn nữa trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc.
Nguồn tin: Theo báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn