Vào ngày Tết Thanh Minh, ở khắp các sườn đồi, bãi đất nơi có những khu mộ tập trung người đông như ngày hội. Họ đến khu mộ của gia đình từ sớm để thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó, kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên.
Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, cá rán, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu..., trong đó một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (xôi đỏ, đen). Gọi xôi đỏ, đen 2 màu nhưng các gia đình đều thể hiện tấm lòng với nhiều loại xôi ngũ sắc (đỏ, xanh, đen, tím, vàng...). Màu xôi đều được làm từ các loại lá rừng trông rất bắt mắt. Loại lá cẩm nếu dùng lá giã ra cho thêm một chút vôi rồi ngâm với gạo nếp, khi đồ lên, sẽ có màu xanh cổ vịt quyến rũ. Nếu cũng dùng lá đó giã ra ngâm với nước tro của rơm lúa nếp sẽ có xôi màu xanh thẫm đặc trưng. Dùng lá cây xau xau cho màu đen bóng... Xôi đăm đeng có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Người Tày, Nùng ở Cao Bằng quan niệm Tết Thanh Minh không thể thiếu xôi đăm đeng. Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên, nên là dịp cho người trong dòng họ và các dòng họ khác giao lưu, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3 tháng Ba âm lịch, gia đình bà Hà Thị Tuyết, xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) đều tổ chức Tết Thanh Minh. Bà Tuyết cho biết: Từ sáng sớm mọi người trong gia đình đã có mặt đông đủ để làm các món ăn truyền thống. Đây là tết quan trọng với gia đình khi các con cháu, họ hàng cùng về quây quần chia sẻ công việc, tạo sự gắn bó thành viên của gia đình.
Trong tiềm thức của những người Cao Bằng xa quê, ngày Tết Thanh Minh luôn là ngày con cháu nhớ đến công ơn sinh thành và dưỡng dục của người đã khuất nên dù sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ trở về bên phần mộ gia đình, tổ tiên. Người Tày, Nùng ở Cao Bằng cho rằng, có thể Tết Nguyên đán không về quê nhà được nhưng không thể vắng mặt trong ngày Tết Thanh Minh. Anh Hà Văn Vinh, quê huyện Quảng Uyên, sinh sống tại tỉnh Bình Phước cho biết: Tôi đi làm ăn ở miền Nam, tuy xa nhà nhưng năm nào cứ đến Tết Thanh Minh tôi đều về quê với gia đình để tảo mộ nhằm tri ân và tưởng nhớ tổ tiên.
Đối với người Tày, Nùng sống ở Cao Bằng, Tết Thanh Minh là ngày họ hàng gặp gỡ đông đủ nhất trong năm. Ngoài việc chính lễ cho ông bà, tổ tiên, còn là dịp nhắc nhở con cháu phải nhớ ơn và biết về cội nguồn, dòng tộc. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.
Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận chỉnh tề. Các cụ già thì khấn vái nơi phần mộ. Thanh niên nam nữ quét dọn, sửa sang, đắp mới cho các ngôi mộ. Cả trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết về những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Sau khi tảo mộ, khắp các bìa rừng, đồi núi, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu, báo hiệu con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ cho ông bà, tổ tiên. Mọi người cùng kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất. Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội. Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong Tết Thanh Minh tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn