Theo nhận định của ngành chuyên môn, nhà lưới, nhà màng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Cây được trồng trong nhà lưới, nhà màng có môi trường sinh trưởng và phát triển ổn định; cho sản lượng, chất lượng cao; giảm thiểu những rủi ro tác động từ các điều kiện thời tiết, môi trường hay dịch bệnh.
Trồng cây trong nhà lưới, nhà màng giúp người sản xuất theo dõi được lượng phân bón sử dụng; kiểm soát lượng nước tưới phù hợp; giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác trái vụ; hạn chế thấp nhất tình trạng cỏ dại mọc; đất luôn tơi xốp không bị mất công sức cải tạo sau mỗi vụ gieo trồng. Ngoài ra, nhà lưới, nhà màng rất thích hợp trồng cây ăn quả ngắn ngày, người sản xuất chủ động được thời gian xuống giống, theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây; áp dụng tốt khoa học kỹ thuật để cây ra hoa, quả đồng đều, màu sắc đẹp, chất lượng đảm bảo, thời gian thu hái tập trung, thuận tiện cho việc bảo quản sản phẩm.
Đi đầu trong chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Trường Anh, xã Hưng Đạo (Thành phố) đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng, tưới tiêu tự động, gieo ươm bầu, làm giàn khung sắt trồng các loại cây ăn quả kết hợp với trồng hoa chiết xuất tinh dầu gắn với hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm hiệu quả. Năm 2023, HTX tiếp tục trồng hơn 12.000 gốc dưa lưới giống Nhật Bản, tăng gần 5.000 nghìn cây so với năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hưởng, đại diện HTX Trường Anh cho biết: Thời gian trồng dưa lưới tốt nhất vào khoảng từ tháng 2 - 9 hằng năm. Dưa lưới ưa ánh sáng nên trồng trong nhà màng, nhà lưới khá phù hợp. Để cây dưa lưới phát triển tốt, quả ngọt, đất phải tơi xốp và đảm bảo tưới nước thường xuyên. Tập trung bón nhiều phân NPK để cây dễ ra hoa, đậu trái. Vụ này, cây dưa phát triển tốt, ít sâu bệnh, dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, trọng lượng tối đa đạt 1,5 - 2 kg/quả. Toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và một số cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 132 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX trồng trọt cơ bản đầu tư về công nghệ, sản xuất chuyên canh, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đầu tư hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản; quan tâm cải thiện mẫu mã bao bì sản phẩm đảm bảo môi trường sản xuất, an toàn thực phẩm; liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới khá cao nên nhiều người dân không dám mạo hiểm bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp bền vững gắn với thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: Thái Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn