Ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

Thứ ba - 20/06/2023 21:39
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang trở thành thách thức lớn tác động đến sản xuất và đời sống, gây ra những thiệt hại khôn lường. Để tăng tính thích ứng sản xuất nông nghiệp trước BĐKH, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 640/QĐ-UBND, ngày 2/6/2023 kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng để sở, ngành, địa phương kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
Nhiều diện tích cây trồng của huyện Trùng Khánh bị hư hại do mưa đá gây ra chiều 8/5/2023.
Nhiều diện tích cây trồng của huyện Trùng Khánh bị hư hại do mưa đá gây ra chiều 8/5/2023.

     Do BĐKH, những năm gần đây thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, giông, lốc, mưa to gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tàn phá nghiêm trọng các loại cây trồng và tài sản của người dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao bất thường; xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt không những ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội mà còn gây thiếu hụt trầm trọng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. 
     Theo thống kê của ngành NN&PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hạn hán cục bộ, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và lũ cục bộ gây thiệt hại về tài sản, hoa màu 6,8 tỷ đồng. Cụ thể, hơn 2.000 hộ dân vùng cao Lục Khu (Hà Quảng) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; 1.516 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng do lốc, mưa đá; 682 ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày bị đổ, gãy do lốc, mưa đá; 11.464 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó 79 ha lúa, 11.385 ha hoa màu, 144,54 ha đất trồng lúa không gieo cấy được phải chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu, nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng… 
     Về kết cấu hạ tầng thủy lợi, toàn tỉnh hiện có trên 3.600 công trình thủy lợi; khoảng 4.565 km kênh mương, 57,63% kênh mương đã kiên cố; 80 trạm bơm, còn lại là kênh mương, đập, phai tạm. Đối với 23 hồ chứa nước do cấp tỉnh quản lý chỉ có 5/23 hồ đạt dung tích thiết kế, 9/23 hồ chứa đạt dung tích từ 69 - 96%, còn lại 9 hồ chứa dung tích nước đạt thấp. Theo dự báo, nắng nóng và khô hạn thời gian tới tiếp tục gây ra nhiều bất lợi cho lĩnh vực nông nghiệp. Các trạm bơm vận hành khó khăn do mực nước không đảm bảo; nhiều diện tích sản xuất vụ hè thu, nhất là đối với cây lương thực khó khăn trong việc duy trì đảm bảo nước tưới theo kế hoạch. Bên cạnh việc thiếu nước tưới tiêu còn có nguy cơ xuất hiện và bùng phát các loại sâu bệnh hại cây trồng như dịch châu chấu, sâu keo và các dịch bệnh khác. Thời tiết cực đoan nắng nóng, mưa đá, lũ ống, lũ quét trong mùa hè tiếp tục ảnh hưởng, khiến nhiều diện tích cây trồng bị đổ, gãy, ngập úng, cuối trôi; các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất bị hư hỏng gây thiệt hại lớn. Đối với chăn nuôi, mùa nắng nóng cũng thường bùng phát các dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, nhiệt thán, dịch tả, thương hàn, cúm gia cầm...
     Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại, bàn phương án, giải pháp ứng phó với BĐKH; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đưa các loại giống cây trồng có khả năng chịu hạn cao vào sản xuất; chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; chú trọng điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, triển khai tưới luân phiên và tiết kiệm nước; kịp thời sửa chữa, nạo vét kênh mương, tránh tình trạng thất thoát, rò rỉ và đảm bảo nước tưới tiêu. 

Do hạn hán kéo dài, nhiều diện tích mía của huyện Quảng Hòa cây còi cọc, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
Do hạn hán kéo dài, nhiều diện tích mía của huyện Quảng Hòa cây còi cọc, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

     Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thái Hà cho biết: Để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh BĐKH tác động ngày một gay gắt, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp nhằm đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giữ vững tốc độ tăng trưởng GDP các lĩnh vực của ngành NN&PTNT, giảm thiểu thiệt hại từ BĐKH và rủi ro thiên tai. 

     Đối với lĩnh vực trồng trọt tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng hóa có thể mạnh, thích ứng với BĐKH, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất canh tác. Chú trọng đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả, có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi, sâu, bệnh hại để phát triển chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với lợi thế so sánh, thị trường và thích ứng cao hơn với BĐKH. Tập trung phát triển các loại cây ăn quả, cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao của địa phương; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với cây trồng hàng hóa có lợi thế của địa phương để hạn chế rủi ro từ BĐKH.

     Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi thích ứng với BĐKH và rủi ro thiên tai, dịch bệnh; kết hợp giữa chọn tạo các giống vật nuôi bản địa và giống mới có chất lượng cao hơn, phù hợp với thị trường. Thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp hàng hóa. Khuyến khích phát triển chăn nuôi từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học; làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin, kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. 

     UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, Thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với ứng phó với BĐKH; đề xuất các cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ; tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH. UBND các huyện, Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành NN&PTNT. Chủ động đề xuất UBND tỉnh thực hiện lồng ghép, tích hợp các nội dung thích ứng với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đề ra kế hoạch, giải pháp sử dụng đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất tập trung; sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH; khắc phục kịp thời những thiệt hại, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng hằng năm.      

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: Thái Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,927
  • Tháng hiện tại29,654
  • Tổng lượt truy cập3,395,249
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây