Hội Nông dân huyện Trùng Khánh hiện có 13.506 HV sinh hoạt tại 21 chi hội. Các cấp HND huyện quan tâm tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế thông qua việc tạo vốn sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ năm 2018 đến nay, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, HND huyện phối hợp cung ứng cho HV vay 758 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm, trị giá trên 11 tỷ đồng; cung ứng 120 tấn giống ngô, lúa các loại; tổ chức 265 hội nghị tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón cho 13.250 lượt HV; hỗ trợ 3,2 tỷ đồng cho 2.393 hộ nghèo, 3.490 công lao động và 770 triệu đồng để HV mua cây, con giống... Bên cạnh đó, các cấp Hội vận động HV tham gia phát triển cây cam, quýt tại các xã: Quang Hán, Cao Chương và Xuân Nội, Quang Trung; trồng cây tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Phong Châu, Đàm Thủy, Ngọc Khê và thị trấn Trùng Khánh... Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý sản phẩm như xây dựng nhãn hiệu tập thể vịt cỏ, nếp Ong Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh... Khuyến khích HV nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, trên địa bàn huyện có 2 mô hình ứng dụng công nghệ gồm: Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Đức Hồng, mô hình trồng dâu tây xã Đoài Dương...
Để HV có vốn phát triển sản xuất, HND huyện giúp 340 HV hoàn cảnh khó khăn vay trên 1,4 tỷ đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” để triển khai 85 dự án; tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho 2.917 hộ HV vay với tổng số tiền gần 170 tỷ đồng đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi… Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội triển khai sâu rộng tới các HV. Đến nay, toàn huyện có 6.215 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi và trồng trọt của các hộ: Bế Trọng Biển, Lý Văn Lâm, Lý Văn Hưng, xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương; mô hình trồng cam, quýt của các hộ: Lã Văn Hiển, xóm Khuổi Luông, xã Cao Chương, Hoàng Văn Nhất và Bế Thị Hồng, xã Quang Hán; mô hình trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ vận tải của gia đình bà La Thị Hoán, tổ dân phố 1, thị trấn Trùng Khánh; mô hình trồng dâu tây của ông Nông Văn Tậu, xã Đoài Dương; mô hình trồng cây hạt dẻ tại thị trấn Trùng Khánh… thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm; hộ Ma Thị Duyễn, thị trấn Trà Lĩnh thu nhập 500 - 800 triệu đồng/năm từ mô hình kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi.
Chủ tịch HND xã Chí Viễn Hoàng Thị Nhỏ chia sẻ: HND xã có 934 HV sinh hoạt tại 16 chi hội. Để giúp HV có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, những năm qua, Chi hội quan tâm phát động phong trào, tích cực góp vốn xoay vòng giúp HV hoàn cảnh khó khăn, vừa tạo điều kiện để HV có vốn phát triển sản xuất, vừa thắt chặt tình đoàn kết... Ngoài phát triển cây ngô, lúa, nhiều HV tập trung trồng cây dẻ trên 7.000 gốc để lấy hạt, chủ yếu tập trung tại các xóm: Pác Mác, Nà Mu, Bản Khấy và rải rác ở một số xóm khác; nhiều hộ mở rộng diện tích trồng từ 1 - 2 ha; mô hình trồng lúa nếp Ong 12 ha; trồng gần 2 ha tỏi tại 2 xóm Thanh Lâm, Phja Đeng... Nhờ thực hiện tốt các chương trình do HND huyện phát động, nhiều năm trở lại đây cuộc sống của HV trên địa bàn xã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 35%, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng người/năm; 100% xóm có nhà văn hóa; trên 95% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội triển khai sâu rộng đến các HV, theo đó các cấp Hội đóng góp 675 triệu đồng, 9.150 ngày công lao động mở mới và sửa chữa gần 25,5 km đường nông thôn, 31 km mương nội đồng, hiến 2,5 ha đất xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 13/19 tiêu chí.
Chủ tịch HND huyện Hoàng Văn Tâm cho biết: HND huyện Trùng Khánh đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Phấn đấu hằng năm có trên 1.200 hộ đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp; trên 60% xã có mô hình kinh tế tập thể do HND hướng dẫn tổ chức; 100% cơ sở hội tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả; xóa nghèo cho trên 120 HV/năm; 100% cán bộ, chi hội được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận và nghiệp vụ công tác Hội...
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: Minh Tuyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn