Trùng Khánh phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến

Thứ ba - 23/05/2023 21:54
Là huyện biên giới có nhiều tiềm năng về phát triển cây ăn quả như hạt dẻ, cam, quýt, lê..., giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy Trùng Khánh ban hành Nghị quyết về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mô hình trồng nho trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Hoàng Thành tại xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh) cho thu nhập cao.
Mô hình trồng nho trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Hoàng Thành tại xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh) cho thu nhập cao.
 
 

Qua tổng hợp, rà soát, huyện quy hoạch vùng sản xuất các cây trồng gồm phát triển 300 ha cây hạt dẻ tại 8 xã, 100 ha cây cam, quýt tại 7 xã, 45 ha cây lê tại 11 xã theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến; quy hoạch vùng sản xuất thuốc lá tại 14/19 xã.

Qua hơn 2 năm triển khai, toàn huyện trồng mới 166,6/300 ha dẻ (đạt 52,2% kế hoạch), nâng tổng diện tích cây dẻ toàn huyện đạt gần 600 ha, tập trung tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh, Đàm Thủy, được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” vùng sản xuất. Sản lượng hạt dẻ bình quân đạt khoảng 160 tấn hạt/năm, chủ yếu do người dân tự đem bán ở các chợ phiên của huyện, giá bán trung bình 100 - 140 nghìn đồng/kg, tạo ra nguồn thu đáng kể giúp giảm nghèo tại địa phương. 

Huyện trồng mới 81,49 ha cây cam, quýt. Trong đó, 43,2/100 ha cam, đạt 43,2%  kế hoạch, 38,3/100 ha quýt, đạt 38,3% kế hoạch, nâng tổng số cam, quýt toàn huyện lên 202,62 ha, tập trung tại các xã: Quang Hán, Cao Chương, Xuân Nội, Quang Trung, Quang Vinh và thị trấn Trà Lĩnh. Sản lượng cam, quýt bình quân hằng năm đạt khoảng 600 tấn/năm, chủ yếu do người dân tự đem bán ở các chợ phiên của huyện, giá bán trung bình 20 - 30 nghìn đồng/kg. Quýt Trà Lĩnh được cấp chứng nhận “nhãn hiệu tập thể” do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

Quá trình triển khai thực hiện, các xã, thị trấn trồng mới được 36,6 ha lê, đạt 81,4% kế hoạch, trong đó khoảng 25 ha lê đang cho thu hoạch; sản lượng lê bình quân đạt 100 tấn/năm, chủ yếu do người dân tự đem bán ở các chợ phiên, giá bán trung bình 50 - 70 nghìn đồng/kg. 

Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số chuỗi sản xuất theo giá trị như Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà triển khai mô hình sản xuất gạo nếp Ong quy mô khoảng 250 ha tại các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Phong, Phong Nặm, sản lượng bình quân khoảng 1.250 tấn, giá bán bình quân 25 - 30 nghìn đồng/kg; mô hình trồng kiệu quy mô khoảng 28 ha tại 2 xã Đoài Dương, Trung Phúc, sản lượng khoảng 500 tấn, giá bán bình quân 8 - 10 nghìn đồng/kg. Cả 2 sản phẩm này được Công ty TNHH công nghệ sinh học Ngân Hà bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không đủ cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, Công ty cổ phần Hoàng Thành triển khai mô hình trồng nho quy mô khoảng 3,5 ha tại xã Lăng Hiếu, sản lượng khoảng 70 tấn/năm, giá bán bình quân 160 nghìn đồng/kg, là hướng đi mới cho nông dân Trùng Khánh phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững. 

Tuy nhiên, việc phát triển mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai; công tác chăm sóc, quản lý của người dân chưa tốt nên nhiều diện tích dẻ đã bị thoái hóa, già cỗi. Từ năm 2019 đến nay, diện tích cây cam, quýt trên địa bàn các xã liên tục giảm; điển hình là xã Quang Hán năm 2018 có khoảng 96,98 ha, đến nay còn khoảng 30 ha sinh trưởng phát triển tốt, diện tích còn lại trồng lâu năm đã bị già cỗi, bị nhiễm sâu bệnh dẫn đến tình trạng nhân dân phải phá bỏ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho biết: Sản xuất hàng hóa tuy đạt được một số kết quả ban đầu, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhân dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quan tâm chăm sóc, bảo vệ khi được hỗ trợ giống, nhất là cây dẻ ghép. Việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chưa đầu tư đồng bộ cho các dự án, đề án sản xuất hàng hóa nên chưa hình thành những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.

Từ nay đến năm 2025, huyện Trùng Khánh tiếp tục chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; tuyên truyền, vận động nông dân tổ chức sản xuất và thực hiện đúng theo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp, hợp tác xã. Chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng giống, phân bón, ký hợp đồng phát triển cây trồng thế mạnh với nông dân sản xuất, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo đúng hợp đồng đã cam kết. Trong đó, tiếp tục trồng mới 63 ha cam quýt, sử dụng phương pháp ghép từ giống cam, quýt địa phương như quýt Trà Lĩnh, cam V2, cam C36, cam Xã Đoài để nâng cao năng suất, chất lượng. Trồng mới 161,62 ha dẻ tại các vùng trong quy hoạch, việc sản xuất cây giống dựa trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, được thực hiện bằng phương pháp ghép và ươm hạt, đảm bảo cây dẻ cho năng suất cao, ổn định, cho thu hoạch sớm, giữ được chất lượng và đặc tính của hạt dẻ Trùng Khánh. Tiếp tục trồng mới 177,54 ha lê vàng địa phương do có ưu thế là cây ăn quả đặc hữu hoặc các giống lê của Đài Loan cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,557
  • Tháng hiện tại73,777
  • Tổng lượt truy cập3,439,372
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây