Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 105.047 con trâu, 103.877 con bò. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 571 tấn, tăng 20 tấn so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 560 tấn, tăng 17 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh phấn đấu năm 2023, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt hơn 3.000 tấn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trâu, bò chỉ mang tính nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa trở thành mô hình trang trại số lượng lớn, đặc biệt sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trâu, bò vỗ béo nhưng thời gian gần đây, anh Lý Văn Minh, xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt (Hòa An) chỉ dám nuôi cầm chừng 1 - 2 con thay vì nuôi 5 - 7 con/lứa như trước đây. Anh Minh cho biết: So với các con vật nuôi khác thì nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trước năm 2020, khi thị trường tiêu thụ trâu, bò ổn định, giá bán cao, gia đình tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng trên 3.000 m2 cỏ voi, nuôi 7 con trâu, bò vỗ béo, trừ chi phí cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm. Nay do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá cả xuống thấp cộng với thời tiết bất lợi, có ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 40oC, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, gia đình tôi chỉ nuôi duy trì, không dám tăng đàn.
Ông Trương Văn Du, xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (Trùng Khánh) chia sẻ: Vừa qua, gia đình tôi nuôi 18 con trâu, bò vỗ béo, sau bán hạch toán lỗ gần 100 triệu đồng. Tình trạng trâu, bò mất giá, tiêu thụ chậm kéo dài từ cuối năm 2021 đến nay và không biết bao giờ mới hồi phục. Hiện các thương lái đến thu gom chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Giá cả bấp bênh, về lâu dài bà con sẽ không còn mặn mà với chăn nuôi trâu, bò.
Theo ghi nhận từ thị trường, những tháng gần đây, giá trâu, bò thịt trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính do thị trường lớn Trung Quốc vẫn đóng cửa, trâu, bò không xuất bán được và nếu có xuất bán đều qua đường tiểu ngạch, số lượng ít, độ rủi ro cao. Giá trâu bò hơi từ 100 - 110 nghìn đồng/kg nay giảm xuống còn 50 - 60 nghìn đồng/kg nhưng khó bán. Việc giá trâu, bò lao dốc, thậm chí không có người mua khiến các hộ chăn nuôi lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi càng nuôi lâu càng lỗ vốn và khó xoay vòng nguồn vốn, nhất là đối với những gia đình vay vốn để chăn nuôi. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân không có khả năng tái đàn, tăng đàn.
Tại huyện Hà Quảng, mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ phát triển mạnh và được nhân rộng. Toàn huyện hiện có 385 ha cỏ voi, 12.000 con trâu, 18.000 con bò. Phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo phát triển mạnh ở các xã vùng cao Lũng Nặm, Thượng Thôn, Nội Thôn, Tổng Cọt, Yên Sơn, Thanh Long..., trung bình mỗi xã có từ 1.000 - 2.000 con trâu, bò; bình quân mỗi hộ nuôi 3 - 5 con trâu, bò nhốt chuồng, nhiều hộ nuôi trên 10 con. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 12.500 con trâu, tăng 1,5%/năm; trên 19.900 con bò, tăng 2%/năm; trồng mới 30 - 40 ha cỏ/năm, nâng diện tích trồng cỏ chăn nuôi đạt trên 500 ha.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy; tập trung phòng, chống dịch để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; thay đổi khẩu phần ăn, tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đàm phán với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc để có thể ký kết hiệp định về việc xuất khẩu động vật như trâu, bò, lợn, sản phẩm động vật theo con đường chính ngạch giữa 2 nước. Phối hợp với Sở Công thương bàn các giải pháp tìm kiếm đầu mối thị trường trong nước, giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ngành chức năng, các địa phương tăng cường liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tiếp tục nhân rộng và vận động người dân chuyển đổi việc nuôi trâu, bò thả rông sang hướng nuôi bò nhốt; xây dựng chuồng chăn nuôi xa khu dân cư, đảm bảo môi trường, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng đàn gia súc. Có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống, thức ăn; phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn trâu, bò, giúp người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ từ thả rông sang chăn nuôi tập trung, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: Thái Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn