Xác định cây thuốc lá là cây trồng hàng hóa, hằng năm, UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc thuốc lá. Hiện nay, toàn huyện có 4 doanh nghiệp tham gia hỗ trợ giống, phân bón, than sấy, lò sấy thuốc lá cho nông dân và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để nông dân sản xuất kịp thời vụ, đạt năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cây trồng cao, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng thuốc lá chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sản xuất, tập trung chăm sóc cây thuốc lá. Vụ thuốc lá năm 2023, toàn huyện trồng 754 ha thuốc lá, tăng hơn 200 ha so với năm 2022. Các xã có diện tích trồng thuốc lá tập trung nhiều nhất: Cao Thăng, Chí Viễn, Phong Châu, Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Phong, Trung Phúc…
Đến thời điểm này, bà con đang chăm sóc, thu hoạch cây thuốc lá vụ sớm. Gia đình anh Hoàng Văn Thuần, xóm Cô Bây, xã Phong Châu là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng thuốc lá khá cao. Theo anh Thuần, trồng cây thuốc lá mặc dù cần nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa, cây ngô. Với diện tích 5.000 m2 thuốc lá, mỗi khi bước vào vụ thuốc lá mới, gia đình đều trồng thuốc lá đúng quy trình kỹ thuật nên cây thuốc lá sinh trưởng phát triển tốt, lá to, dài, vàng đẹp, trừ chi phí đầu tư thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Cao Thăng Nông Văn Tuyến chia sẻ: Là một trong những địa phương có diện tích trồng thuốc lá nhiều trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền xã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, duy trì và mở rộng diện tích thuốc lá, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Vụ thuốc lá năm 2023, toàn xã có 8/8 xóm, 535/781 hộ đăng ký trồng thuốc lá 202,7 ha thuốc lá, tăng 135% so với năm 2022. Hiện nay, nông dân các xóm tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch thuốc lá, năng suất ước đạt 20,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 400 tấn. Giá thu mua sản phẩm được điều chỉnh theo thị trường trong đó, thuốc lá lá loại 1 có giá 56 nghìn đồng/kg… Với mức giá ổn định qua các năm, đầu ra luôn bảo đảm, người dân yên tâm sản xuất, không còn lo thiệt hại do mất giá sản phẩm. Nhiều hộ dân trong xã đạt thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Hào nhận định: Trồng thuốc lá năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết, khô hạn kéo dài, sâu bệnh phát sinh nhưng huyện vẫn xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Từ nhiều năm nay, cây thuốc lá vẫn được doanh nghiệp ký kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Tuy nhiên, để cây trồng này phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng thuốc lá. Ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, đưa các giống cho năng suất vào gieo trồng, thâm canh; quan tâm định hướng, hướng dẫn người dân cải tiến lò sấy tiết kiệm củi hoặc chuyển đổi chất đốt phù hợp.
Nguồn tin: Bao Cao Bằng điện tử: Tiến Mạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn