Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 1.500 ha/năm, nhu cầu cây giống khoảng 2 - 3,5 triệu cây/năm chủ yếu phục vụ trồng rừng mới và trồng cây phân tán. Vụ trồng rừng mới năm 2023, người dân tại các địa phương trồng các loại cây như: keo, quế, mỡ, lát hoa… Chị Tạ Thị Ngọc Châm, chủ cơ sở Vườn ươm Thiện Châm, Tổ 10, phường Đề Thám (Thành phố) cho biết: Phục vụ nhu cầu cây giống lâm nghiệp vụ trồng rừng năm 2023, cơ sở tiến hành tạo luống, dồn bầu và tra hạt đồng loạt. Các khâu chọn đất, đóng bầu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Túi bầu, hạt giống đều được nhập tại những cơ sở uy tín, chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, được tuyển chọn và cấp phép sản xuất, kinh doanh. Trung bình, vườn ươm gia đình xuất bán hơn 60 vạn giống cây các loại/năm, trong đó, nhiều nhất là cây keo, quế, thông, hồi, mỡ. Về giống, gia đình tự mua hạt giống về ươm, vườn ươm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành lâm nghiệp trong quá trình sản xuất từ khâu trộn đất, đóng bầu, ươm hạt; chăm sóc đúng chu kỳ sinh trưởng mới cho xuất vườn.
Anh Hầu A Dí, xóm Lũng Lừa, xã Đa Thông (Hà Quảng) chia sẻ: Năm nay, tôi dự kiến trồng hơn 4 ha rừng, gia đình tìm đến Cơ sở vườn ươm Thiện Châm mua trên 1 vạn cây keo tai tượng về trồng. Sau khi được cơ sở hướng dẫn về kỹ thuật, cung cấp cây giống đảm bảo, gia đình rất yên tâm.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 18 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hòa An, Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thành phố. Các vườn ươm xuất bán nhiều loại giống cây như: mỡ, keo, quế, hồi, sưa, lát, thông, tông dù, xoan ta... cho người dân phát triển kinh tế rừng, trồng rừng. Qua đánh giá, phần lớn các cơ sở đều đáp ứng các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp như: có địa điểm cố định, sử dụng các giống cây được công nhận, có hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống, thiết kế vườn ươm theo quy định… Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc quản lý các vườn ươm tự phát tại địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhiều vườn ươm hoạt động tự phát hoặc hoạt động theo thời vụ, chỉ sản xuất vào các thời điểm thị trường cây giống có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, không ít chủ vườn chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định. Ngoài ra, một số vườn quy mô nhỏ khi được kiểm tra đều đưa ra lý do tự ươm cây giống để trồng cho gia đình. Do đó, rất khó để lực lượng chức năng xử lý. Với số lượng vườn ươm hoạt động tự phát nhỏ, lẻ như hiện nay, thiết nghĩ, các cấp, ngành trên địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các vườn ươm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ vườn thực hiện đúng quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị từ sản xuất giống cây lâm nghiệp, giúp bà con làm giàu chính đáng, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của cả chủ vườn và chủ rừng.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, Thành phố tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp...
Nguồn tin: Bao Cao Bằng điện tử: Tiến Mạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn