Qua nghiên cứu, Công ty TNHH Chế biến lâm sản trúc Tây Bắc nhận thấy, nan trúc Cao Bằng có một số ưu điểm vượt trội như độ co ngót của nan trúc gần giống kết cấu của gỗ sồi nên các sản phẩm khi được ép đúng quy cách có độ dẻo dai, độ bền ổn định; khả năng chịu trọng lượng của chúng khi đan bền chặt với nhau tương đối lớn. Tận dụng những phụ phẩm quá trình sản xuất nan trúc, Công ty đưa ra sản phẩm mới là viên nén mùn cưa dùng cho công nghệ đốt lò hơi, tạo nhiệt của các ngành trong công nghiệp nhằm thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch. Lợi ích của viên nén mùn cưa là nguồn nhiên liệu tái sinh, sạch, giá thành rẻ, khả năng sinh nhiệt cao; tăng tuổi thọ lò hơi, các thiết bị đốt khác vì hàm lượng tro, khói ít; không gây ô nhiễm không khí, môi trường; tro có thể tận dụng làm phân bón sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Thấy được tiềm năng và giá trị của ngành chế biến lâm sản (từ tre, trúc...) của bà con, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư 40 tỷ đồng triển khai Dự án “Xưởng chế biến trúc” tại huyện Nguyên Bình. Hiện đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trúc, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa. Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động ổn định, hằng năm, Công ty thu mua khoảng 45.000 tấn trúc cho bà con trong vùng dự án và một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Kạn. Sản xuất 12.150 tấn/năm nan trúc kích cỡ các loại và 20.475 tấn/năm viên nén ép từ mùn trúc.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lâm sản trúc Tây Bắc Lê Đức Anh cho biết: Dự án được khởi công tháng 11/2021, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2022. Đến nay, dây truyền Dự án “Xưởng chế biến trúc” đã hoạt động tương đối ổn định. Hiện doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và ký kết nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác; doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp nơi trồng trúc, các hộ dân để có được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. Năm 2022, Công ty sản xuất khoảng 4.850 tấn nan trúc các loại kích thước dùng cho sản xuất chiếu trúc, đạt 40% so với công suất dự án; 9.200 tấn viên nén từ mùn trúc, đạt 45% so với công suất của dự án... Doanh thu đạt 41,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức lương bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Bình quân hiện nay, Công ty thu mua khoảng 40 tấn trúc/ngày trị giá khoảng 90 triệu đồng/ngày, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân vùng nguyên liệu.
Năm 2023, Công ty phấn đấu sản xuất và tiêu thụ khoảng 4.050 tấn nan trúc các loại/tháng; 8.500 tấn viên nén từ mùn trúc/tháng; doanh thu đạt 70 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 6,3 tỷ đồng.
Nguồn tin: Minh Ngọc - Báo Cao Bằng điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn