80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng

Chủ nhật - 26/02/2023 22:51
“Ðề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử quan trọng - được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ. Văn kiện này đã đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Múa rồng lại Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa.


Tháng 2/1943, Đảng ta đưa ra bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, bế tắc, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử. Đề cương văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.

Đề cương văn hóa Việt Nam gồm 5 phần: Phần thứ nhất: “Cách đặt vấn đề”; Phần thứ hai: “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần thứ ba: “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; Phần thứ tư: “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”; Phần thứ năm: “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam”.

Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng bản Đề cương văn hoá đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến. Bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hoá ngu dân của thực dân Pháp; nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá; vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”. Để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…

Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã đề cập đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cụ thể hóa 3 nguyên tắc (dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa) trong phát triển văn hóa Việt Nam của bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Không chỉ các nghị quyết của Đảng mà các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước cũng thường xuyên đề cập đến 3 nguyên tắc này. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hóa 1943.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào đầu năm 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Đây vừa là kết quả của quá trình tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa của Đảng từ khi ra đời, đặc biệt là từ quá trình thực hiện Đề cương về văn hóa năm 1943; vừa là sự nhận thức nhạy bén về tình hình thực tiễn, là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới của một dân tộc có nền văn hóa “sâu rễ bền gốc”, tích lũy, chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa qua hàng nghìn năm lịch sử.

Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước hôm nay, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Văn hóa trong chính trị và kinh tế được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần nói về văn hóa, đã nhấn những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đảng ta đồng thời chỉ rõ, trung tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Năm 2023, kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 - một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Trải qua 80 năm, Đề cương vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa; một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng” như mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Nguồn tin: Bao Cao Bằng điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay10,680
  • Tháng hiện tại113,745
  • Tổng lượt truy cập3,294,907
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây