Phúc Sen (Cao Bằng): Phát huy truyền thống từ nghề rèn

Chủ nhật - 19/02/2023 22:11
Ở Cao Bằng, khi nói đến nghề rèn, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nghề rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Nghề rèn gắn bó mật thiết và là niềm tự hào của người dân nơi đây, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 29 tháng 01 năm 2019.
Hộ gia đình ông Nông Văn Sơn đang rèn dao
Hộ gia đình ông Nông Văn Sơn đang rèn dao

 Trên địa bàn xã đang duy trì việc sản xuất các sản phẩm từ nghề rèn tại 4/11 xóm, cụ thể như: Pác Rằng, Phia Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ. Cả xã có 140 lò rèn với gần 250 lao động thường xuyên, chủ yếu là sản xuất nhỏ theo hộ gia đình hoặc liên kết thành lập Hợp tác xã. Hiện nay, xã duy trì hoạt động của Hợp tác xã dao Phúc Sen Hà Khiêm chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rèn với đa dạng các sản phẩm như: Lưỡi cày, lưỡi cuốc, thuổng, mai, xẻng, dao, búa, rìu, cưa, đục, bào.

Ông Nông Văn Sơn, xã Phúc Sen chia sẻ: “Quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn. Đây là công việc nặng nhọc cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, một lò rèn thường có 2-3 thợ cùng rèn, trong đó có thợ cả và các thợ phụ. Thợ cả là người có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chỉ đạo mọi khâu trong quá trình rèn sản phẩm. Thợ cả kiểm tra độ nóng của lò, độ nung của sản phẩm, tạo dáng sản phẩm, đảm nhiệm việc tôi sản phẩm. Các thợ phụ làm việc theo hướng dẫn của thợ cả, trực tiếp quai búa đập dãn sắt cho mềm dẻo khi đã được nung đỏ, giúp thợ cả kéo bễ lò, mài, dũa sản phẩm”. Những điều này đã làm nên sự khác biệt cho các sản phẩm của làng nghề.
Trong những năm qua, nghề rèn đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân địa phương. Nếu như trước đây, sản phẩm làm ra chỉ người dân trong xã, huyện, tỉnh biết đến thì hiện nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ nghề rèn đã và đang vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng. Người dân quảng bá sản phẩm qua giới thiệu bạn bè, du khách tham quan, qua các trang facebook, zalo; đặc biệt, bày bán tại các hội chợ thương mại trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. 
 Từ nghề rèn, các hộ dân trong xã có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập trên 90 triệu đồng/năm. Hiện, thu nhập từ nghề rèn chiếm 70% tổng thu nhập của các hộ gia đình.
Bảo tồn và phát triển nghề rèn ở Phúc Sen ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc của người Nùng An. Do đó, việc lưu giữ, bảo tồn nghề rèn luôn là vấn đề được địa phương và các cấp, ngành quan tâm.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tay nghề cho người dân; liên kết với các nhà cung ứng để cung cấp nguyên liệu sắt, thép, than đá phục vụ cho sản xuất của nghề rèn; chú trọng công tác quảng bá rộng rãi bằng nhiều kênh thông tin, mở rộng tìm kiếm thị trường và đặc biệt cần chú trọng giải pháp đầu tư phát triển nghề rèn song song với phát triển du lịch, tham gia các hội chợ, các ngày hội làng nghề để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đưa xã Phúc Sen ngày càng phát triển.

Nguồn tin: Lê Thị Thư - TTĐT HNDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,766
  • Tháng hiện tại72,499
  • Tổng lượt truy cập3,438,094
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây