Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP

Chủ nhật - 19/02/2023 20:37
Để nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông sản, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTN) triển khai và hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Đây là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Tham gia sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, các hộ dân cần phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn, 100% không dùng thuốc diệt cỏ.
Tham gia sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, các hộ dân cần phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn, 100% không dùng thuốc diệt cỏ.

VietGAP là tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm và nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Sản xuất theo hướng VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng các hóa chất, chất độc hại với cơ thể con người, môi trường; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Sản phẩm sản xuất ra dễ tiêu thụ, giá bán ổn định, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. 

Năm 2022, toàn tỉnh có 14 mô hình đăng ký xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 20 ha, gồm các cây trồng: kiệu, su su, củ cải, quýt, lê. Sở NN&PTNT hỗ trợ 19 cơ sở sản xuất về thiết kế bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm. Phối hợp với chuyên gia tư vấn tổ chức kiểm tra điều kiện, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tư vấn, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ công nhận VietGAP; giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với các loại cây trồng. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; quy định, quy chuẩn về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản. Hỗ trợ chứng nhận chất lượng, thiết kế bao bì nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, VietGAP.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Đặng Văn Phú, xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) có quy mô 5.000 m2 với gần 300 cây quýt. Sau 6 năm canh tác theo phương pháp truyền thống, năm nay gia đình anh đăng kýxây dựng mô hình nhà vườn theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Phú cho biết: Tham gia sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, gia đình tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn, 100% không dùng thuốc diệt cỏ; được học hỏi một số kỹ thuật từ quản lý nguồn nước tưới, xử lý, thu gom bao bì, nhận biết những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng; được tư vấn hướng dẫn về thu hái, bảo quản sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, vào những thời điểm quan trọng, gia đình tôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành, làm cỏ, chăm sóc quả… Do áp dụng và tuân thủ các phương pháp mới trong chăm sóc, vườn quýt năm nay sai quả, màu sắc đẹp, đồng đều, vị thanh ngọt và thơm. Với giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chuẩn VietGAP đối với sản xuất nông nghiệp, Phòng tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng. Các xã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký tham gia, xây dựng mô hình, cử thành viên tập huấn về quy trình kỹ thuật. Phòng cử cán bộ phụ trách các mô hình giám sát, theo dõi, hướng dẫn người dân theo phương thức cầm tay chỉ việc; cung cấp các tài liệu, hồ sơ để hoàn thiện và công nhận đạt tiêu chuẩn đúng quy định… Huyện đã có 3 sản phẩm: thanh long, quýt, bắp cải được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Trong đó, quan tâm xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường giám sát về quy trình sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản khi đưa ra thị trường. Hằng năm, tổ chức các đợt kiểm tra, lấy mẫu nông sản; tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và người dân đủ điều kiện. Đến nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở và hơn 20 hộ được cấp Giấy nhận sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 53 ha.

Tuy các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình VietGAP đã đạt kết quả khả quan, thể hiện ưu thế so với phương pháp sản xuất truyền thống, song việc nhân rộng các mô hình gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, manh mún; người dân ngại thay đổi tập quán canh tác nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế. Chuỗi sản phẩm VietGAP  qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc, do đó giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng; nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Minh, chuyên gia tư vấn Công ty TNHH Nho Nho nhận định: Khi triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân một số địa phương trong tỉnh chưa tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như tuân thủ các điều kiện về sản xuất an toàn. Vì vậy, trong quá trình giám sát thực tế, chúng tôi hướng dẫn và đưa ra các khuyến cáo đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; vấn đề thu gom chất thải, rác thải trong sản xuất. Hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục; việc thu hái, bảo quản, sơ chế sản phẩm đảm bảo khi đưa ra thị trường đạt các yếu tố theo quy định…

Sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm nông sản đứng vững trên thị trường. Sở NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn người sản xuất và người tiêu dùng tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng: Thái Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,728
  • Tháng hiện tại72,461
  • Tổng lượt truy cập3,438,056
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: banxaydunghoicb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây