Nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc bánh khẩu sli hấp dẫn thực khách đó là những sản phẩm nông sản gần gũi với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân như gạo nếp, lạc, vừng và đường phên…
Để làm được bánh khẩu sli ngon thì khâu quan trọng nhất là chọn được nguyên liệu tốt. Đầu tiên là chọn gạo: Gạo nếp phải là nếp thơm hoặc nếp cái hoa vàng, tốt nhất là nếp cái hoa vàng; gạo nếp ngon là nếp phải chọn vào vụ mùa gần Tết. Khi chọn được gạo rồi phải sàng lấy hạt nguyên, hạt vỡ loại bỏ hết, bởi vì hạt gạo nguyên khi đồ lên, phơi, giã thì càng bẹp, khi khô rang nó càng phồng, còn hạt vỡ giã không được bẹp, khi rang lên độ phồng không đẹp, không tròn hạt gạo.
Bắt tay vào làm bánh khẩu sli, việc đầu tiên là ngâm gạo nếp khoảng 8 giờ, sau đó đồ chín thành xôi; để xôi nguội, trộn với bột sắn, bột gạo hay bột ngô để hạt xôi tơi ra, không dính vào nhau. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng nếu vò xôi không kỹ thì hạt xôi sẽ dính vào nhau, bánh không đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ.
Tiếp đó, đem xôi vò xong đi phơi nắng cho se lại rồi giã cho hạt xôi dẹt lại; sau đó đem xôi đã giã rang trên chảo lửa, đảo đều tay cho những hạt xôi nở đều, giòn bung màu hơi vàng là có thể xúc ra.
Sau đó đến khâu thắng đường, đường làm bánh phải là đường phên; đem đường vào chảo đun lên cho đường tan ra, khi đường sánh đặc có màu vàng mật thì nhanh tay đổ bỏng gạo vào rồi đảo đều tay để đường và bỏng quyện đều nhau.
Hạt bỏng được thứ mật đường bám vào có một màu vàng óng đẹp mắt. Sau đó người làm phải nhanh tay đổ hỗn hợp bỏng trộn đường ra khuôn gỗ vuông rồi dàn đều, dùng chai thủy tinh cán qua cán lại, nén cho thật chặt để tạo độ kết dính.
Đổ lên trên lớp bánh một lớp lạc đã rang, những hạt lạc sẽ được mật đường dính chặt lại, tạo một tầng màu nâu đỏ phủ lên trên trông rất đẹp mắt. Sau đó người làm dùng dao sắc để cắt bánh theo kích cỡ ở khuôn bánh, mỗi phong to bằng viên gạch nhưng khi ăn có thể bẻ thành từng miếng nhỏ để ăn. Khi bánh nguội thì gói vào túi nilon buộc kín để bảo quản, bánh có thể sử dụng được trong vài tháng.
Với khá nhiều công đoạn tỉ mỉ vì vậy đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo sao cho khi đun mật mía không quá lửa, bánh phải dẻo không cứng, khi để bánh lâu vẫn giòn tan.
Phong bánh khẩu sli phải nguyên mùi thơm của nếp rang, bùi béo của lạc, vừng, ngọt thanh của đường phên hoặc thơm của mật mía. Phong bánh cầm phải chắc tay, ăn giòn tan mới được coi là đạt chất lượng. Khi thưởng thức bánh khẩu sli thường nhâm nhi với nước trà xanh rất phù hợp.
Nâng tầm thương hiệu
Để bánh khẩu sli trở thành sản phẩm có giá trị hàng hoá cao trên quê hương huyện Hà Quảng, từ năm 2006, UBND huyện Hà Quảng đã có chủ trương đầu tư để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm khẩu sli và thống nhất đặt tên cho sản phẩm là “Khẩu sli Nà Giàng”. Được sự quan tâm, hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Hà Quảng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm “Khẩu sli Nà Giàng”.
Tháng 2/2007, UBND huyện Hà Quảng chính thức công bố, nhãn hiệu “Khẩu sli Nà Giàng” có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh Cao Bằng. Đến năm 2020, bánh “Khẩu sli Nà Giàng” đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trên thị trường.
Hiện nay, tại khu vực Nà Giàng (xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng) đã có khoảng 60 hộ gia đình cùng sử dụng nhãn hiệu “Khẩu sli Nà Giàng”. Theo đó các hộ dân tại Nà Giàng đã tổ chức thành lập tổ kiểm tra, giám sát, gồm 5 người để kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm bánh trước khi đóng gói để đưa ra thị trường tiêu thụ. Bánh khẩu Sli Nà Giàng được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/phong, loại đóng hộp giá 35.000 đồng/hộp.
Với người dân tộc Tày, Nùng ở huyện Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung, bánh khẩu sli từ bao đời nay đã thật sự trở thành một loại bánh truyền thống để làm quà, mời khách khi đến nhà vào những ngày Tết cổ truyền. Trong ngày Tết truyền thống, cùng với bánh chưng, bánh khảo thì không thể thiếu vài phong bánh khẩu sli trên bàn thờ tổ tiên.
Bánh khẩu sli ngày nay đã trở thành đặc sản của huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, du khách thập phương đến nơi đây khi về không quên chọn mua vài phong khẩu sli đem làm quà tặng, biếu cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức.
Hiện nay, trong bối cảnh hiện đại hoá từ trang phục, tiếng nói, chữ viết và những nét văn hóa ẩm thực là vốn quý của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng bị ảnh hưởng, có mai một ít nhiều, nhưng những phong tục trong dịp Tết Nguyên đán của người dân huyện Hà Quảng vẫn còn khá đậm nét. Những nét đẹp trong phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở huyện Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung vẫn được lưu giữ, bảo tồn và ngày càng phát huy, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn tin: tapchinongthonmoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn