Gia đình bà Triệu Thị Hoàn, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) huy động nhân lực ra đồng chăm sóc, bón phân, vun gốc cho cây thuốc lá. Bà Hoàn cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 3.000 cây thuốc lá (tương đương diện tích 2.000 m2), 100% giống mới D65 chất lượng cao. Do thời tiết hạn hán kéo dài từ đầu vụ đến nay mới có mưa, đồng ruộng khô hạn cộng với rét đậm, rét hại nên cây thuốc lá phát triển rất chậm. Đối với diện tích thuốc lá trồng sớm, thời điểm này mọi năm cây đã phát triển 5 - 7 lá, nhưng năm nay mới chỉ có từ 3 - 4 lá, cây còi cọc, lá mỏng; còn diện tích trà muộn, khi trồng thời tiết khô hanh nên mọc chậm. Vì vậy, khi trời mưa, gia đình tranh thủ bón lót phân đặc dụng, vun xới để cây sớm hấp thụ phân, phát triển kịp thời vụ.
Vụ sản xuất thuốc lá năm nay, toàn tỉnh trồng 3.500 ha, trong đó huyện Hòa An trồng 1.600 ha, Hà Quảng 1.070 ha, Trùng Khánh 500 ha, Nguyên Bình hơn 200 ha; Quảng Hòa 130 ha, Thành phố 5 ha. Hiện nay, nông dân các địa phương đã bước vào thời kỳ chăm sóc, vun xới, bón thúc, phòng trừ dịch bệnh đối với diện tích thuốc lá trà sớm. Thuốc lá là cây trồng chủ lực giúp người dân ở các địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Mấy năm trở lại đây, cây thuốc lá được mùa, được giá do các nhà đầu tư thực hiện tốt việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đồng hành chuyển giao khoa học kỹ thuật từ trồng, chăm sóc đến hái, sấy và thu mua sản phẩm.
Là đơn vị nhiều năm đầu tư tại địa bàn huyện Hòa An và Thành phố, năm nay, Công ty TNHH Thương mại Thu Công tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu hơn 200 ha tại huyện Trùng Khánh. Đơn vị đầu tư mô hình điểm trồng hơn 5.000 m2 thuốc lá chất lượng cao tại thị trấn Nước Hai (Hòa An). Để chủ động trong sản xuất, đơn vị thuê đất, nhân công trồng, chăm sóc thuốc lá theo đúng quy trình kỹ thuật; hỗ trợ xây 2 lò sấy mới tiết kiệm nhiên liệu, trung bình mỗi lò đầu tư kinh phí từ 18 - 24 triệu đồng. Hiện, cây thuốc lá đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển đạt từ 10 - 12 lá và dự kiến cho thu hoạch vào đầu tháng 3. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí cho người dân vùng nguyên liệu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 30 lò sấy; ứng trước 42 tấn phân bón và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, hái sấy cho người dân.
Vụ đông xuân năm 2022 - 2023, Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Viện thuốc lá tại Cao Bằng tiếp tục phối hợp với nông dân các địa phương trồng gần 1.000 ha tại địa bàn 2 huyện Hòa An, Hà Quảng. Trong đó có 200 ha thuốc lá chất lượng cao tập trung tại 2 xã Nam Tuấn (Hòa An), Ngọc Đào (Hà Quảng) và 100 ha thuốc lá giống đặc thù cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước. Trên 80% diện tích vùng nguyên liệu trồng giống mới cho năng suất, sản lượng cao như: GL7, GL9, D65. Ngoài ra, Chi nhánh tiếp tục triển khai các đề tài lai tạo giống, sử dụng phân bón hữu cơ; các kỹ thuật diệt chồi; cách hái sấy thuốc lá vàng đều...
Trước khi bước vào vụ sản xuất, Chi nhánh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai kế hoạch trồng thuốc lá, thông báo về phương án sản xuất, thông tin giá cả thị trường và những yêu cầu về thu mua thuốc lá nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cấp không 12 kg giống mới; cung ứng 560 tấn phân bón hỗn hợp; 5.000 chai thuốc diệt chồi; ứng trước tiền hỗ trợ người dân xây dựng 150 lò sấy và nhiều vật tư nông nghiệp khác với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Đối với 100 ha sản xuất thuốc lá đặc thù, nếu người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất và bán toàn bộ sản phẩm cho Viện sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha và bù giá 5 nghìn đồng/kg phân bón. Dự kiến sản lượng thuốc lá chất lượng cao ước đạt 3,2 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn so với thuốc lá thông thường. Bên cạnh đó, Chi nhánh cử cán bộ kỹ thuật bám sát các địa bàn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, đảm bảo sử dụng phân bón đầy đủ; thuốc diệt chồi để cây phát triển mạnh ở thân lá, phấn đấu tỷ lệ thuốc lá chất lượng cấp 1, 2 chiếm gần 70% tổng sản lượng.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, cán bộ kỹ thuật Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Viện thuốc lá tại Cao Bằng khuyến cáo: Để cây thuốc lá sinh trưởng và phát triển, bà con cần tích cực thăm đồng, kịp thời chăm sóc theo từng giai đoạn; đảm bảo nước tưới, tránh tình trạng khô hạn lâu ngày; tiến hành vun xới, bón phân nhiều đợt nhằm kích thích bộ rễ phát triển, tăng cường chống đổ cho cây. Đối với phòng trừ sâu bệnh, chú ý đến các loại bệnh thường gặp như: sâu xám, rệp thuốc bám dưới lá và phần ngọn, bệnh đốm mắt cua, thán thư, khảm lá, thối gốc… phát hiện sớm, phun thuốc đặc trị ngay khi sâu rầy còn non. Tiến hành ngắt ngọn, diệt chồi để cây tập trung nguồn dinh dưỡng nuôi bộ lá, tránh cây ra hoa sớm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây thuốc lá.
Để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế đối với cây thuốc lá, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà đầu tư tiếp tục tăng cường vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, nhất là phân bón theo phương thức chậm trả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát đồng ruộng, kịp thời phổ biến, hướng dẫn người dân chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật trong canh tác, tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ bảo đảm năng suất, chất lượng. Phấn đấu niên vụ 2022 - 2023, năng suất đạt 25,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 8.978 tấn.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng: Thái Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn