Cờ người là trò chơi thường thấy nhiều nhất trong các ngày hội, ngày Tết, mừng xuân mới. Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ với 32 quân cờ chia thành 2 phe (16 quân đỏ và 16 quân đen), bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu. Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, người đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Quanh sân, hàng trong thì khán giả ngồi, hàng ngoài đứng, chăm chú thưởng thức ván cờ và bàn tán râm ran.
Chọi gà, một thú chơi góp mặt ở hầu hết các ngày lễ Tết và hội họp. Thú chơi này vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của người làm nông xưa. Trò chơi chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi từ việc chọn gà giống như lựa dáng vẻ chân, mỏ, đầu… đến việc chăm sóc, tập luyện cho chú gà quen dần với trận đấu chiến. Khi vào cuộc, hai chú gà sẽ lao vào nhau để mổ, nhảy lên đá móc vào nách, cổ họng, ức đối phương hay ghì nhau, đè cánh... khiến người xem bị hấp dẫn, hồi hộp khi theo dõi trận đấu.
Tung còn được tổ chức trong các lễ hội, đặc biệt, tại các hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, Nùng luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia, mang lại không khí vui vẻ, đồng thời, theo quan niệm truyền thống trò chơi tung còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau, vận hạn sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc khi ném còn qua vòng còn trên đỉnh cột. Quả còn có hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc, bông hoặc cát. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn thường là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn). Khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông... Nỏ là một dụng cụ làm bằng gỗ, mũi tên làm bằng tre hoặc bằng sắt. Những người tham gia thi bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ trước Tết Nguyên đán. Họ căng dây nỏ, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Thi bắn nỏ thường được tổ chức trên một bãi đất rộng. Người thi có nỏ riêng để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích. Khác với bắn súng, bắn nỏ khi báo kết quả sẽ căn cứ trên những mũi tên trúng đích đã cắm vào bia, còn tên trượt sẽ bay ra ngoài. Người thắng cuộc là người có nhiều tên bắn trúng đích nhất.
Leo cột mỡ là trò chơi dùng cột leo là một đoạn cây gỗ hoặc tre (có nơi hiện nay làm bằng cột sắt ống) to, chắc và thẳng. Cao độ 5 - 6 m, làm nhẵn các mấu ở đầu các gióng tre. Đào hố chôn cột thật chắc rồi quét bùn non hoặc mỡ lợn (dầu ăn, nước...) lên xung quanh cột, nhất là phía trên. Phần thưởng thường được treo ở trên đỉnh cột. Dưới chân cột có cát hoặc rơm rạ để người chơi có ngã, nhảy xuống cũng không bị đau. Ai leo lên được đến đỉnh cột thì nhận phần thưởng. Nếu bị tuột xuống đất coi như mất lượt phải chờ lượt sau để xếp hàng vì trò chơi này thường rất thu hút mọi người tham gia (chủ yếu là các nam thanh niên) nên tạo không khí rất sôi động, vui vẻ.
Đập niêu đất, trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5 m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 -5 m được kẻ làm điểm xuất phát. Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50 cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ.
Kéo co là một trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái. Nó đã trở thành trò chơi tập thể phổ biến tại lễ hội. Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm 2 phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.
Trong những dịp lễ hội, Tết cổ truyền của tỉnh ta hiện nay, ngoài các trò chơi dân gian kể trên, tại các lễ hội còn lưu giữ và phát triển các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân gian địa phương như: Đánh yến, chơi đu, bắn nỏ, đẩy gậy… Các trò chơi dân gian không chỉ mang ý nghĩa giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn có ý nghĩa giáo dục và nêu cao tính tập thể, tinh thần cộng đồng sâu sắc, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc khôi phục và phát huy các trò chơi dân gian trong lễ hội, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp từ xa xưa.