Cũng như các hội chọi bò Bảo Lâm, đến với Hội Thi Chọi bò khỏe, đẹp huyện Thông Nông tổ chức vào ngày 26 tháng Giêng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng 22 cặp bò mẹ con và 22 con bò đực tham gia cuộc thi chọi bò với những trận đòn nảy lửa và được gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò của người dân trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, xóa đói giảm nghèo của địa phương nơi đây.
Còn tại Hà Quảng, ngay từ sáng sớm 19/3 (tức ngày 29 tháng Giêng), từng đoàn người đổ về "đấu trường" đông nghịt tại cánh đồng xóm Xuân Trường, thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng). Đây là năm thứ 9 huyện Hà Quảng tổ chức Hội thi Bò đẹp và chọi bò. Với 24 chú bò lần lượt chọi theo vòng bảng, con nào thắng sẽ được vào chọi ở vòng trong. Tại đây, khán giả được chứng kiến gần 20 trận thi đấu giữa những chú bò được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp xã (chủ yếu là các xã trên vùng cao Lục Khu). Chuẩn bị dắt chú bò hạng B vào “sới” chọi, anh Đào Văn Thái, xóm Lũng Rản, xã Mã Ba (Hà Quảng) háo hức: “Con bò này gia đình vừa mua cách đây 3 tháng tại chợ huyện Trà Lĩnh, với giá 55 triệu đồng. Sau một thời gian chăm sóc, huấn luyện, gia đình tôi quyết định mang đi thi đấu. Vượt qua các trận đấu bò cấp xã, nay mang đi thi cấp huyện thử sức, nếu có thua, tôi sẽ mang về nuôi và huấn luyện để sang năm tiếp tục thi đấu.
Sau tiếng loa giới thiệu, những chú bò được các chàng trai dẫn vào khu vực chọi. Khi cách nhau khoảng 5 m các đối thủ được bỏ "sẹo", hai chú bò lao vào nhau. Cuộc đấu diễn ra trong tiếng reo hò vang dậy của hàng ngàn khán giả. Có trận chỉ diễn ra dăm ba phút, sự phân thắng bại rất nhanh... Song cũng có trận kéo dài đến 5 - 10 phút với nhiều miếng đánh hấp dẫn. Không khí khu chọi sôi động, tiếng cổ vũ, vỗ tay, reo hò vang dậy. Cuối trận đấu là màn “thu bò” diễn ra đầy tính nghệ thuật và không kém phần hồi hộp. Khi con bò thua bỏ chạy, chú bò thắng trận vẫn còn hăng máu đuổi theo, người bắt bò có nhiệm vụ giữ bò thắng lại. Ðây là một việc làm dũng cảm, vì hai chú bò chỉ cách nhau vài mét, nếu không có kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm.
Các Lễ Hội Chọi bò, diễn ra ở: Bảo Lâm, Thông Nông hay Hà Quảng, thì hội nào cũng thu hút đông đảo người xem với đủ thành phần nam, nữ, già, trẻ. Chị Hầu Thị Dinh, xóm Lũng Giàng, xã Phù Ngọc (Hà Quảng) chia sẻ: Hội chọi bò hằng năm đã giúp người dân trong huyện chúng tôi có thêm hoạt động vui chơi, giải trí, khích lệ phong trào chăn nuôi bò phát triển. Tình làng nghĩa xóm cũng vì vậy mà càng gắn bó thêm. Đây cũng là dịp người dân Hà Quảng giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, những ẩm thực đặc sắc tới du khách. Chúng tôi mong Hội Chọi bò năm sau sẽ được tổ chức quy mô hơn nữa.
Nét độc đáo tại Lễ hội Chọi bò các huyện là những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau tiết học trổ tài. Anh Dương Văn Tu, người dân xóm Lũng Cuối, xã Vần Dính (Hà Quảng) chia sẻ: Đối với đồng bào Mông chúng tôi, bò là vật nuôi rất gần gũi, là con vật có mặt trong mọi lễ, hội quan trọng, đôi khi được ví như thước đo của sự phồn thịnh, ăn nên làm ra của đồng bào Mông. Nhất là trong những năm gần đây, việc nuôi bò đã trở thành phong trào phát triển kinh tế của đồng bào chúng tôi. Nuôi bò không chỉ để tham gia Hội Chọi bò mà còn trực tiếp giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Với đồng bào các huyện vùng cao, Hội Chọi bò là lễ hội lớn nhất trong năm, nơi để họ thể hiện thành tựu chăn nuôi bò, huấn luyện bò chọi. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông coi Hội Chọi bò là một nét văn hóa truyền thống đã trở thành nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện đức tính cần cù lao động sáng tạo của người dân vùng cao.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn