Trước hết, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là lòng thương yêu và quý trọng con người, gắn với lòng yêu dân, yêu nước nồng nàn. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình. Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trở về nước tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một trong những việc đầu tiên của Người là xây dựng thí điểm các tổ chức mặt trận nhân dân thống nhất rộng rãi đoàn kết các lực lượng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (sau này gọi là Mặt trận Việt Minh), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này, vấn đề hàng đầu là dựa vào dân, vì theo Người có dân là có tất cả. Ở Cao Bằng, Bác sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ rau măng”, chia sẻ với đồng bào mọi khó khăn gian khổ, vui buồn. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chiến dịch Biên giới năm 1950 cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê không chỉ nói lên tầm quan trọng của Chiến dịch mà còn là nguồn sức mạnh động viên, cổ vũ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và là tình cảm sâu nặng của Người đối với nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Năm 1961, Bác trở lại thăm Pác Bó như về quê hương của Người. Một lần nữa nhân dân các dân tộc Cao Bằng lại đón Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón người thân ruột thịt trong gia đình. Người không quên một ai từng sống và làm việc với mình, từ những ngày đầu cách mạng. Đồng bào, đồng chí quây quần bên Bác. Chỉ có Bác Hồ - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người suốt đời vì dân, vì nước đã có một thời chọn Pác Bó làm căn cứ địa cách mạng của cả nước. Chính vì thế, Cao Bằng trở thành quê hương thứ hai của Người.Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người, của nhân dân. Bác Hồ và Đảng ta phát động quần chúng đứng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến, giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên tin tưởng vào nhân dân, phát huy mọi năng lực của nhân dân. Người nói, phải nhớ dân là chủ, bao nhiêu lực lượng, bao nhiêu quyền hành là ở nơi dân. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là đấu tranh giải phóng con người, giải phóng nhân dân lao động. Vì yêu dân, yêu nước, Người ra đi tìm đường cứu nước, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin là con đường giải phóng dân tộc duy nhất. Người đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam. Cả cuộc đời Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng nhân văn của Người là lòng thương yêu và quý trọng con người gắn với lòng yêu dân, yêu nước. Mỗi người dân Việt Nam vô cùng cảm động, trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng của buổi sáng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chủ Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Người đã hỏi hàng vạn nhân dân: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi rất đỗi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch nước đối với nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hoá kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nhân dân. Bởi theo Người, không có gì quý bằng nhân dân, không có gì to lớn, mạnh mẽ bằng nhân dân, không có gì thay thế được nhân dân. Chính vì vậy, suốt đời Bác luôn lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được ấm no, thì độc lập chả có nghĩa gì. Vì thương dân, yêu dân, yêu nước mà Người ra đi tìm đường cứu nước. Đó là con đường giải phóng dân tộc, theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.