Hội thảo diễn ra với mục tiêu đánh giá lại thành tựu, bài học kinh nghiệm của chương trình cũng như đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới.
Ông Phương Đình Anh – Phó Chánh VP Điều phối NTM Trung ương cho biết: Ý nghĩa của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Đến hết năm 2021, đã có 63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch đề án triển khai chương trình OCOP với 4.763 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Trong đó có 67,6% sản phẩm đạt 3 sao, 31% sản phẩm đạt sản 4 sao, 1,2 % sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao được công nhận của 4.061 chủ thể (38,7% là HTX, 25,9% là doanh nghiệp; 33,1% là cơ sở chủ hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác).
Ông Phương Đình Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trủ trì Hội thảo
Cũng theo ông Đình Anh, sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có những đóng góp tích cực, hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế từ chính tài nguyên bản địa từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
Kết quả chương trình OCOP đến thời điểm này là một minh chứng sống động, thấy rằng chương trình OCOP đã tác động một cách tích cực đến việc phát triển kinh tế ở nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực và quan trọng hơn góp phần giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.
"Đặc biệt là tỷ lệ chủ thể tham gia chương trình là phụ nữ, người dân tộc thiểu số ngày càng cao. Sự ra đời của OCOP đã tạo cơ hội cho những đối tượng lao động này phát huy được khả năng, tổ chức phát triển sản xuất ngay tại gia đình, địa phương để làm giàu cho xã hội, đây là điều rất đáng mừng", ông Đình Anh nhấn mạnh.
Sản phẩm OCOP của Công ty Artex Đồng Tháp (Đồng Tháp)
Về mặt địa lý, nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.
Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế...
Đặc biệt, năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, làm cản trở hoạt động sản xuất, thiếu lao động, hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ OCOP bị tạm dừng dẫn tới các sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương không thể tiêu thụ được.
Từ những mặt còn hạn chế, khó khăn đó, các chủ thể cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm OCOP như kinh nghiệm trong sản xuất và tổ chức sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại và tổ chức, phân phối sản phẩm.
Như các chủ thể đã chủ động nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; duy trì và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ; liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường và hoàn thiện và giám sát quy trình sản xuất….
Hay như kinh nghiệm xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá; lựa chọn thị trường, khách hàng và hình thức phân phối sản phẩm OCOP…
Bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Quảng Bình) chia sẻ: "Để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, bên cạnh bán hàng qua các kênh truyền thống, HTX đã mở rộng kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo...
Sản phẩm OCOP 5 sao của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn)
"Việc đưa các sản phẩm OCOP lên các nền tảng mạng xã hội đã giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với thông tin minh bạch và giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhanh hơn. Sau hơn 1 năm khai thác, các sản phẩm của HTX đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến hơn, đơn đặt hàng ở ngoài tỉnh cũng nhiều hơn, giúp HTX phát triển ổn định" – bà Đoàn cho biết thêm.
Để khắc phục những vấn đề còn bất cập, tại hội thảo các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp cho chương trình OCOP giai đoạn tới.
Theo đó, các cấp quản lý, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội về sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương… đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình OCOP…
Đồng thời, đối với các chủ thể OCOP thì tích cực áp dụng sáng tạo, hiệu quả các cách làm hay, bài học tốt của các chủ thể thành công vào mô hình thực tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiệu quả.
Nguồn tin: Trang Thảo - Báo Danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn