Thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch: “Bài toán” cần nhiều nút gỡ

Thứ năm - 07/03/2019 03:22
Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi, nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp sạch đặc hữu (NNSĐH) mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, bắt nhịp với xu hướng chung của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh vẫn là “bài toán” cần tháo gỡ.
Nông dân xóm Bản Niếng, xã Quang Hán (Trà Lĩnh) mở rộng diện tích trồng quý
Nông dân xóm Bản Niếng, xã Quang Hán (Trà Lĩnh) mở rộng diện tích trồng quý

CÒN VƯỚNG TỪ CUNG - CẦU

Sản xuất NNSĐH của tỉnh những năm qua dựa trên việc khai thác hợp lý điều kiện sinh thái, nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi bản địa phù hợp với điều kiện từng địa phương - kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Hướng sản xuất trên là trọng tâm trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2016 - 2020” của UBND tỉnh theo xu hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; có sản phẩm ổn định trên thị trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Với định hướng trên, đến nay, tỉnh ta có tương đối nhiều sản phẩm NNSĐH trở thành hàng hóa chất lượng, được các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Toàn tỉnh có trên 100 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó có nhiều sản phẩm NNSĐH, như: Nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh”, “Miến dong Nguyên Bình”, Chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ huyện Trùng Khánh, gạo nếp Pì Pất, nếp Ong (Trùng Khánh, Hòa An), Nếp hương Bảo Lạc, sản phẩm chè sạch Phja Đén chất lượng cao; lạp sườn, trà Giảo cổ lam... Sau khi có nhãn hiệu, được đăng ký chất lượng hàng hóa, mã số, mã vạch, mẫu bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, các sản phẩm NNSĐH có giá trị kinh tế cao hơn, được người tiêu dùng tin cậy, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn tấn. Nhiều cây trồng, vật nuôi đặc hữu truyền thống địa phương như cây dong riềng, bò thịt, lợn đen, cây ăn quả...,  trở thành cây, con chủ lực giảm nghèo của huyện, tỉnh.

Bên cạnh bước phát triển tích cực đó, còn nhiều sản phẩm NNSĐH chưa đáp ứng nguồn cung - cầu và các tiêu chí chất lượng sản phẩm trên thị trường. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mô hình sản xuất NNSĐH vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự cấp, tự túc. Nhiều cây, con lợi thế vẫn chưa hình thành quy mô lớn, chưa hiện đại nên số lượng và chất lượng hàng hóa không ổn định, hình thức mẫu mã chưa có quy chuẩn cụ thể, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên khó cạnh tranh được với hàng hóa ngoài tỉnh. Sản lượng thiếu trong khi nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận cao. Thịt bò, thịt lợn đen đồng bào Mông đã xây dựng được thương hiệu nhiều năm qua nhưng đến nay phát triển chăn nuôi tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Thông Nông...  vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu hàng hóa lớn. Quýt Trà Lĩnh, quýt Hà Trì, hạt dẻ Trùng Khánh mô hình sản xuất chưa chặt chẽ, bán nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối chính thức với công ty, doanh nghiệp nào bán trên thị trường lớn để giữ thương hiệu. Do một số sản phẩm NNSĐH không đủ cung cấp nên bị một số tư thương lấy hàng kém chất lượng gắn nhãn mác giả vào bán làm cho người tiêu dùng không yên tâm.

Bên cạnh đó, NNSĐH đòi hỏi phải chọn vùng sản xuất phù hợp, tuân thủ quy trình kỹ thuật theo chuỗi khép kín, diện tích lớn đất sạch, được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định thường xuyên. Hiện nay có rất ít doanh nghiệp triển khai dây chuyền sản xuất khép kín, theo chuỗi giá trị nên chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm miến dong Nguyên Bình có hơn 1.000 hộ dân trồng cây dong riềng với trên 200 ha và sản xuất miến dong. Một số hộ dân liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy xát củ, máy lọc bột và máy ép miến để nâng cao chất lượng, tăng số lượng miến cung cấp theo nhu cầu thị trường nhưng chưa có quy chuẩn chung cho thương hiệu miến dong Nguyên Bình từ cách đóng gói, bao bì, màu sắc..., đầu ra cho sản phẩm miến dong chủ yếu vẫn là người dân tự kết nối với thị trường hoặc với đầu mối tiêu thụ tại chợ thành phố Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội. Vì vậy, miến dong Nguyên Bình bị một số tư thương lấy hàng kém chất lượng gắn nhãn mác giả đem bán.

Hiện nay, có một số HTX, doanh nghiệp đã thực hiện quy trình sản xuất rau, chè, thịt lợn, thạch đen, gà đen an toàn... Do sản xuất NNSĐH đòi hỏi cao hơn về sản xuất, chất lượng sản phẩm nên giá thành cao hơn. Bên cạnh đó việc quảng bá sản phẩm NNSĐH còn hạn chế.

“4 NHÀ” CHƯA LIÊN KẾT CHẶT CHẼ

Liên kết “4 nhà” những năm qua tích cực tham gia vào phát triển sản xuất NNSĐH của tỉnh nhưng vẫn chưa thắt chặt như mong muốn. Bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho biết: Hạn chế liên kết “4 nhà” trong sản xuất NNSĐH là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các hộ nông dân với nhau vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm với nhau..., còn một số mặt tồn tại như nhiều mặt hàng nông dân bán lẻ tự do cho tư thương nên thị trường không có thống nhất về giá, ít có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư phát triển sản xuất NNSĐH. Từ đó chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đặc hữu, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư lĩnh vực này.

Vai trò liên kết giữa “4 nhà” thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Bên cạnh đó, mặt hạn chế của chính sách là chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ học vấn thấp nên tiếp cận khoa học còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của doanh nghiệp, các tổ, nhóm, HTX…, cũng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất NNSĐH.

Việc liên kết sản xuất NNSĐH theo nhóm hộ còn hạn chế, chưa tạo ra vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Sản xuất NNSĐH mới đạt diện tích khiêm tốn, như: quýt Trà Lĩnh gần 100 ha, cam Trưng Vương 24 ha, lúa nếp hương 15 ha, lúa nếp Ong trên 100 ha, chè xanh trên 50 ha, bí thơm dưới 10 ha, dẻ Trùng Khánh khoảng 200 ha, lê 131 ha... Do sản xuất tự phát, nhiều sản phẩm NNSĐH chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Việc thành lập các HTX, Hội chăn nuôi... để tổ chức sản xuất và tiêu thụ NNSĐH không phát huy được thường xuyên. 

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn




 

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,874
  • Tháng hiện tại46,013
  • Tổng lượt truy cập2,070,193
 


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Xuân, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3954291  -  Email: bantuyenhuancb@gmail.com
Ghi rõ nguồn hoinongdan.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Hội Nông Dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây