Tại huyện Thạch An, các giống lợn được nuôi phổ biến hiện nay chủ yếu là giống lợn địa phương và lợn lai. Phương thức chăn nuôi lợn trên địa bàn vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, nguồn thức ăn chăn nuôi lợn được tận dụng từ nguồn phụ phẩm trong chế biến của ngành trồng trọt để chăn nuôi; đối với các hộ ở vùng cao, vùng sâu vẫn còn những hộ chăn nuôi lợn theo phương thức thả rông, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2017, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, tỉnh đã giao cho Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chọn lọc giống lợn Lang Đông Khê góp phần phát triển KT - XH địa phương”, với mục tiêu nghiên cứu, chọn lọc bảo tồn nguồn gen giống lợn Lang Đông Khê, tạo ra các sản phẩm thịt có chất lượng, mang tính đặc sản, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần phát triển KT - XH của địa phương. Qua điều tra tại 8 xã của huyện Thạch An, trong tổng số 120 hộ đang nuôi 781 con lợn Lang Đông Khê (chiếm 58,63% tổng đàn của các xã), trong đó, lợn Lang Đông Khê được nuôi nhiều nhất tại xã Đức Thông (chiếm 30%); Quang Trọng 20,36%; Trọng Con 17,41%; các xã còn lại dao động từ 3,07 - 8,96%. Kết quả điều tra cho thấy, lợn Lang Đông Khê phân bố chủ yếu ở các xã vùng cao, điều kiện cơ sở vật chất và giao thông còn khó khăn, đây là khu vực sinh sống của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Tày…
Từ kết quả điều tra, nhóm thực hiện đề tài đã chọn lọc lợn bố mẹ và xây dựng 5 mô hình nhân giống lợn Lang Đông Khê bằng phương pháp lai tạo giữa con lai bố mẹ là giống lợn Lang thuần chủng, gồm 20 con lợn cái và 5 con lợn đực. Qua theo dõi sức sinh sản của lợn Lang đã lai tạo được gần 200 con lợn Lang Đông Khê thuần có chất lượng tốt. Tiến hành nuôi lợn con sau cai sữa và lợn thương phẩm đã được lai tạo, cho thấy lợn con sinh trưởng khỏe, ít nhiễm bệnh, năng suất trung bình 70 kg/con sau 8 tháng nuôi. Theo đánh giá của người tiêu dùng, thịt lợn Lang Đông Khê thơm, ngon hơn nhiều so với những giống lợn lai hiện nay. Nhóm thực hiện đề tài tiến hành mổ khảo sát lợn Lang Đông Khê đã nuôi, lấy mẫu phân tích thành phần hóa học của thịt, mỡ và đánh giá chất lượng lợn thương phẩm.
Mặc dù chăn nuôi lợn Lang Đông Khê cho năng suất thấp hơn các giống lợn lai do trọng lượng thấp, thời gian sinh trưởng dài và đẻ ít con nhưng giống lợn này dễ nuôi, thích nghi tốt với môi trường sống, chống chịu dịch bệnh tốt, chi phí trong chăn nuôi thấp, chất lượng thịt thơm, ngon nên giống lợn này vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Thành công của đề tài đã góp phần trong việc bảo tồn nguồn gen và phát triển giống lợn Lang Đông Khê, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Hiện nay, nhu cầu thị trường của sản phẩm thịt lợn Lang Đông Khê khá lớn. Với giá bán lợn thành phẩm khá cao so với các loại lợn công nghiệp, đây là lợi thế để địa phương phát triển chăn nuôi giống lợn này. Tuy nhiên, để duy trì nhân rộng và phát triển chăn nuôi giống lợn địa phương trở thành hàng hóa với quy mô lớn, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành liên quan về kỹ thuật cũng như tìm thị trường tiêu thụ ổn định, để người dân yên tâm mở rộng chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống.