Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Ngô Văn Chính, xóm Ca Rài, xã Đức Xuân đúng lúc anh chuẩn bị chăn thả đàn bò. Anh Chính cho biết: Gia đình là hộ nghèo, không có trâu, bò để cày kéo, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2017, gia đình tôi nhận bò từ hộ khác chuyển sang chăm sóc, đến nay, bò giống đã đẻ bê con được 4 tháng tuổi. Từ nay, gia đình có thêm bò để chăm sóc, sinh sản tạo đàn, lấy sức kéo để trồng ngô... Hiện, gia đình còn nhận nuôi vỗ béo 3 con bò để tăng thêm thu nhập.
Đức Xuân là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hòa An, có 4 xóm với 117 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%. Với địa hình phức tạp chủ yếu là núi đá, không có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên thu hoạch bấp bênh. Năm 2011, Dự án “Ngân hàng bò” do Hội Hữu nghị Việt - Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ triển khai trên địa bàn xã đã trao cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Mỗi con bò trị giá 11 triệu đồng được trao cho 10 hộ đặc biệt khó khăn của xã mang về chăm sóc tại gia đình. Khi bò đẻ lứa đầu được 6 tháng thì giao con bê đó cho hộ nghèo khác chăn nuôi, còn con bò sinh sản và các lứa sau sẽ thuộc về gia đình để phát triển kinh tế; nếu đẻ bê đực sẽ được giao cho Hội Chữ thập đỏ huyện bán, sau đó, mua bê cái tiếp tục trao cho hộ nghèo.
Hội Chữ thập đỏ huyện Hòa An phối hợp với xã rà soát, lập danh sách và bình xét công khai, dân chủ để thống nhất những hộ được nhận hỗ trợ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện cam kết của các hộ trong chăm sóc bò và số bò đã bàn giao cho các hộ, đôn đốc và hướng dẫn các hộ làm chuồng chăn nuôi; phối hợp với cán bộ thú y tư vấn cho các hộ về cách nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc bò sinh sản, giúp bò phát triển tốt. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hòa An Bế Nhật Hùng cho biết: Từ 10 con bò giống ban đầu, đến nay, tổng đàn đã nâng lên 30 con với 30 hộ đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ dự án. Đây là nguồn hỗ trợ, động viên các hộ có hoàn cảnh khó khăn tích cực lao động, tăng gia sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Dự án “Ngân hàng bò” có ý nghĩa thiết thực đối với các hộ nghèo xã Đức Xuân, bởi thời gian càng dài, người thụ hưởng chăm sóc tốt thì về sau càng có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Trong số 30 hộ được nhận bò năm 2011, đến nay đã có 2 hộ thoát nghèo. Hiện, toàn xã có 117 hộ, trong đó 71 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Việc triển khai Dự án “Ngân hàng bò” tại xã Đức Xuân đã đem lại hiệu quả thiết thực, đồng thời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng, từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.