Phúc Sen là xã nằm về phía Đông của tỉnh Cao Bằng và phía Tây Nam của huyện Quảng Hòa, cách trung tâm huyện 3 km, trên địa bàn xã có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua từ thành phố Cao Bằng đi Cửa khẩu Tà Lùng, thuận tiện cho việc giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Xã có 11 xóm hành chính, tổng số 1002 hộ với 4205 nhân khẩu, có 02 dân tộc chính là Nùng, Tày cùng sinh sống. Các nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống, qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Phát triển làng nghề truyền thống của địa phương đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ, gắn với giữ gìn các phong tục tập quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần gắn kết các địa phương, tạo cơ hội cùng nhau phát triển. Những năm qua, xã Phúc Sen tập trung phát triển một số nghề truyền thống như: nghề rèn, nghề làm hương, nghề làm giấy bản, nhuộm vải chàm, dệt, đan lát…. Làng nghề trên địa bàn xã cơ bản hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương. Nghề rèn đã có từ lâu đời, được truyền lại từ đời này qua đời khác, tồn tại và phát triển cùng sự lớn mạnh của người Nùng An đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân địa phương. Phát triển nghề rèn, các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập trên 90 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập từ nghề rèn chiếm 70% tổng thu nhập của các hộ gia đình. Trên địa bàn xã hiện đang duy trì việc sản xuất các sản phẩm từ nghề rèn tại 4/11 xóm, cụ thể như: Pác Rằng, Phia Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ. Cả xã hiện có 140 lò rèn với gần 250 lao động thường xuyên tham gia sản xuất, chủ yếu là sản xuất nhỏ theo hộ gia đình hoặc liên kết nhiều hộ gia đình lại để thành lập hợp tác xã. Hiện nay, xã đang duy trì hoạt động của 01 Hợp tác xã Dao Phúc Sen Hà Khiêm chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rèn với đa dạng các sản phẩm như: lưỡi cày, lưỡi cuốc, thuổng, mai, xẻng, dao, búa, rìu, cưa, đục, bào. Sản phẩm của nghề rèn Phúc Sen được bà con trong tỉnh ưa chuộng và đã vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh, được bày bán tại các hội chợ thương mại trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Bên cạnh việc phát triển nghề rèn, người Nùng An ở Phúc Sen chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc qua nghề làm giấy bản. Nghề làm giấy bản cũng có tiềm năng phát triển, theo Bà Nông Thị Kính xóm Dìa Trên cho biết: nghề làm giấy bản bằng phương pháp thủ công từ cây Mạy sla (vỏ cây dưỡng) đã có từ trăm năm nay tại làng Lũng Ỏ, Phung Dưới, và Dìa Trên thuộc xã Quốc Dân (nay là xã Phúc Sen). Với nguồn nguyên liệu tự nhiên, bà con nhân dân có nhiều kinh nghiệm, hiện nay nghề làm giấy bản là một trong những nghề mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn, được tiêu thụ tại các thị trường trong huyện và các huyện lân cận. Hiện nay có 39/116 hộ làm giấy bản, số lao động làm nghề: 93 lao động. Thu nhập từ làm giấy bản chiếm khoảng 50% tổng thu nhập trong hộ gia đình. Ngoài nghề rèn và nghề làm giấy bản, nghề làm hương cũng được bà con trong xã gìn giữ và phát triển, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tại làng Phia Thắp có 48 hộ làm hương thắp, số lao động làm nghề 114 người, thu nhập từ làm hương chiếm 50% tổng thu nhập của hộ gia đình, nhiều hộ có thu nhập hàng năm trên 90 triệu đồng mỗi năm. Điều đặc biệt của nghề làm hương tại xã Phúc Sen là sản xuất chủ yếu là thủ công, không áp dụng các dây chuyền sản xuất công nghiệp; nguồn nguyên liệu không độc hại có nguồn gốc tự nhiên; tác động đến môi trường sống, khí thải, nước thải trong sản xuất là rất ít, gần như không có. Có thể nói, việc giữ gìn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Phúc Sen luôn được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã xác định là yếu tố quan trọng không những nâng cao đời sống của bà con nhân dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống của các làng nghề và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa làng nghề của cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng, các dân tộc ở Việt Nam nói chung./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thư Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng